Bạn tôi đi xuất khẩu lao động ở Tây Á và bị bắt vì tội trộm cắp. Bạn sẽ bị xử theo luật nước đó hay luật Việt Nam? Khi về nước, bạn tôi bị xác định là ‘có tiền án” không?
Luật sư tư vấn
Điều 6 Bộ luật hình sự 2015, quy định, công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, bạn của bạn dù phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xử lý tội phạm diễn ra tại nước ngoài còn cần đến sự hỗ trợ của nước bạn thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại.
Theo đó, việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp, nước ký kết này sẽ dẫn độ công dân của nước ký kết kia đang ở trên lãnh thổ của nước mình cho nước kia để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án, quyết định hình sự.
Đặc biệt, việc dẫn độ phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ cũng thường được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo quy định của nước sở tại.
Trong trường hợp, không có hiệp định tương trợ tư pháp việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra … sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể. Nếu nước bạn không dẫn độ người phạm tội, người này có thể bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng tại nước sở tại.
Trường hợp Việt Nam không có hiệp định tương trợ tư pháp với bất kỳ quốc gia nào khu vực Tây Á thì có thể người bạn đó sẽ bị xử lý hành vi trộm cắp tại nước sở tại.
Đối với việc có án tích khi trở về Việt Nam hay không, Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về đối tượng quản lý lý lịch tư pháp như sau:
1. Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài chỉ được coi là có án tích khi giữa Việt Nam và nước đó có tồn tại điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.
Nếu giữa hai nước không có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong lĩnh vực này thì trong lý lịch tư pháp của người đó tại Việt Nam không có thông tin về án tích ở nước ngoài, trường hợp này được coi là không có án tích.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci