Chuyển nghề sau biến cố gia đình
Chị Nguyễn Thị Hoài Sen (32 tuổi, trú tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chị Sen đang là chủ trang trại nuôi lợn có hiệu quả kinh tế cao, được người dân trong vùng nể phục.
4 năm trước, chị Sen là một nhân viên y tế tại trường học, dù mức lương không cao nhưng cũng được xem là ổn định. Biến cố gia đình bất ngờ ập tới, chồng chị Sen gặp tai nạn lao động, qua đời.
Sau biến cố, chị Sen đã bỏ công việc nhân viên y tế trường học, về làm trang trại nuôi lợn (Ảnh: Tiến Thành).
Cuộc sống vốn khó khăn lại bất ngờ mất đi trụ cột, con còn quá nhỏ, gia đình chị lâm vào cảnh ngặt nghèo. Chính vì thế, chị Sen đã đi đến quyết định bỏ việc ổn định, an nhàn tại trường học để khởi nghiệp bằng mô hình trang trại, quyết tâm làm giàu, phát triển kinh tế với mong muốn có đủ điều kiện chăm lo cho gia đình.
Sau quá trình tìm tòi, học hỏi, người phụ nữ 9x đã tìm ra được hướng đi cho bản thân bằng việc nuôi lợn. Thời điểm khởi nghiệp, vốn ít nên chị Sen gặp không ít khó khăn.
Chị Sen cũng đã đầu tư máy móc, tự làm thức ăn cho đàn lợn để đảm bảo chất lượng (Ảnh: Tiến Thành).
“Ngay từ đầu tôi đã nhắm đến mô hình nuôi lợn khác biệt nhưng khi mở trang trại lợn, tôi gặp rất nhiều vấn đề phát sinh như lợn ăn không lớn, mắc bệnh, chi phí thực hiện các thử nghiệm tốn kém. Có nhưng lúc tôi định từ bỏ, nhưng rồi tự nhủ phải quyết tâm, học hỏi thêm kiến thức để chăn nuôi, cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn”, chị Sen nhớ lại.
Để khắc phục những khó khăn bước đầu, chị Sen tự mày mò, tìm ra nhiều phương pháp để phát triển đàn lợn của mình. Trong một lần tìm hiểu, chị đã được tiếp cận với phương pháp nuôi lợn bằng thảo dược hết sức độc đáo. Khi đưa vào áp dụng, chị Sen thu lại kết quả khả quan, đàn lợn khỏe mạnh, chóng lớn.
Thức ăn dành cho đàn lợn của chị Sen được lấy từ các loại thảo dược (Ảnh: Tiến Thành).
Gần 1 năm chăn nuôi, chị Sen xuất lứa lợn đầu tiên và được đánh giá rất cao về chất lượng thịt. Các mối hàng ngày một nhiều lên, công việc nuôi lợn của chị Sen đã khởi sắc.
Thấy cơ hội làm giàu đến, chị Sen mạnh dạn vay vốn, mở rộng trang trại. Đến hiện tại, trại lợn của chị đã có thường xuyên hơn 200 con, với diện tích đất khoảng 1,5ha.
Ngỡ ngàng với thu nhập nửa tỷ đồng/năm
Gần 3 năm phấn đấu vượt nhiều khó khăn, vất vả, đến nay dù công việc vẫn không ít thách thức nhưng chị Sen đã có những thành công bước đầu. Đây cũng là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cơ hội đối với chị Sen rất rộng mở.
Để có đủ thảo dược cho lợn ăn, ngoài trồng trong trang trại, chị Sen cũng tận dụng thế mạnh của bà con nông dân tại địa phương (Ảnh: Tiến Thành).
“Cũng vì lợn ăn thảo dược nên khả năng miễn dịch và tăng trưởng cao hơn lợn nuôi thông thường, tỷ lệ nhiễm dịch bệnh cũng ít, trong khi thịt lợn chất lượng, an toàn, thơm ngon hơn”, chị Sen chia sẻ thêm.
Để có nguồn thảo dược, ngoài trồng trong trang trại, chị Sen cũng tận dụng thế mạnh của bà con nông dân tại địa phương với các loại cây như: Đinh lăng, hoàn ngọc, nghệ, gừng… vừa có đủ nguồn cung ứng thức ăn cho lợn, vừa giúp tiêu thụ nông sản tại chỗ giúp bà con.
Ngoài ra, chị Sen còn tự chế dung dịch sát trùng và khử mùi hôi chuồng trại theo phương pháp IMO4, thông qua hệ thống phun sương bán tự động.
Ăn thảo dược phối trộn với thức ăn truyền thống, đàn lợn của chị Sen phát triển nhanh, ít bệnh tật và cho thịt đạt chất lượng cao (Ảnh: Tiến Thành).
Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều trang trại nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp, trong khi mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị Sen còn khá mới mẻ. Đây được coi là thách thức và cũng là cơ hội đối với chị Sen khi nuôi lợn bằng thảo dược của chị là mô hình mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Với mô hình này, chị Sen không chỉ mong muốn tạo ra nguồn thịt chất lượng, an toàn mà còn đặt ra kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thông qua các mô hình chăn nuôi, nhằm giúp người dân thay đổi tư duy, thực hiện chăn nuôi hữu cơ theo hướng bền vững.
Đến hiện nay, doanh thu từ trang trại của chị Sen đã cán mốc 500 triệu đồng/năm và đưa lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Chị Sen cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2025, trang trại của mình sẽ trở thành đơn vị tiên phong và điển hình trong tổ chức nuôi lợn bằng thảo dược theo mô hình liên kết chuỗi giá trị có kiểm soát.
Đến hiện nay, doanh thu từ trang trại của chị Sen đã cán mốc 500 triệu đồng/năm (Ảnh: Tiến Thành).
Theo ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, với việc nuôi lợn bằng thảo dược, chị Sen đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Việc chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ với thức ăn là các loại thảo dược được xem là “làn gió mới” trong phát triển nông nghiệp tại Quảng Bình, góp phần tạo việc làm cho người dân, khích lệ phong trào phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Chị Sen đã đạt giải nhì cuộc thi “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp” năm 2022 do Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức bằng mô hình làm kinh tế của mình.