Chị Út (45 tuổi, tiểu thương sạp quần áo tại chợ Rạch Ông) đã có thâm niên “ngồi chợ” từ năm 18 tuổi, khi khu chợ còn chưa xây như hiện tại. Gần 30 năm bám chợ, chị Út chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm kéo dài như giai đoạn này. Cả ngày, chị chỉ mong có người đến mở hàng, rồi hầu hết là ngồi… ngáp, chờ khách.
Trước đây, mỗi ngày chị vừa làm vừa chơi cũng có thể kiếm được 7-8 triệu đồng. Tuy vậy, gần hai năm trở lại đây, 7 triệu đồng là thu nhập cả tháng. Số tiền này chị Út chỉ đủ lo chi phí ăn uống qua loa của cả nhà.
Không ít chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM rơi vào tình trạng ế ẩm, tiểu thương ra sức gồng gánh việc kinh doanh (Ảnh: Nguyễn Vy).
Không phù hợp với đối tượng tiêu dùng mới
Nói về hiện tượng tiểu thương các chợ, bất kể buôn bán mặt hàng nào, từ hàng thời trang, gia dụng tới nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm đang ở cảnh ế dài, TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế xác nhận, chỉ lướt qua các điểm chợ, khu mua sắm trên địa bàn TPHCM thời điểm này sẽ đều thấy treo bảng cho thuê, sang nhượng sạp. Đây là cảnh khó khăn chung đối với các khu chợ truyền thống, siêu thị, shophouse… tại thành phố.
“GRDP mới được công bố của TPHCM cho thấy mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay. Xét về nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế ở các đô thị lớn như TPHCM đang gặp khó khăn. Đây là trung tâm mua bán, nơi có nhiều chợ truyền thống nhất nhưng suy thoái như vậy thì khả năng lớn là do sức mua giảm”, ông Hiển nói.
Các khu mua sắm trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều thông tin cho thuê, sang nhượng sạp (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bên cạnh đó, ông Hiển còn dự đoán, sắp tới TPHCM có thể sẽ giảm dần chợ truyền thống vì sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán hàng online.
“Hiện tại, đến nông sản còn mua bán online được thì rõ ràng thương mại điện tử đã lấy đi thị phần lớn của chợ truyền thống”, ông Hiển nhận định.
Ngoài ra, vốn dĩ đối tượng khách hàng ở các khu chợ truyền thống rơi vào độ tuổi 40 trở lên, “trống chân” ở phân khúc khách 20 tuổi vì đối tượng này đã chọn mua hàng ở siêu thị và hình thành thói quen mua sắm một lần cho cả tuần.
“Họ chọn siêu thị bởi dịch vụ sạch sẽ, hàng hóa có kiểm định, nguồn gốc, giá cả rõ ràng. Tương lai, những người từ 20 tuổi trở lên khi tới 30, 40, 50 tuổi cũng sẽ vẫn giữ thói quen mua hàng ở siêu thị như vậy. Chợ truyền thống, vì thế, sẽ ngày càng không phù hợp với đối tượng tiêu dùng mới”, vị chuyên gia nhận định.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành, số lượng chợ truyền thống ngày càng giảm là xu hướng tất yếu, thể hiện sự chuyển đổi tự nhiên của thị trường. “Không sớm thì muộn, các kênh bán hàng online sẽ dần thay thế chợ truyền thống vì tiện lợi, giúp người mua thấy giá cả rõ ràng, không cần mặc cả, trả giá”, vị này nói.
TS Huỳnh Thanh Điền nhận định việc số lượng chợ truyền thống ngày càng giảm là điều tất yếu (Ảnh: Trường Đại học Tài chính – Marketing).
Trong và sau dịch Covid-19, làn sóng lao động về quê nhiều, không phải ai cũng trở lại TPHCM. Từ quý II/2022, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng sau dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt, các khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da… không có đơn hàng làm. Lượng công nhân mất việc tiếp tục về quê, có bám trụ lại thì đời sống cũng nhiều khó khăn.
“Thực tế, đối tượng khách hàng chính ở các chợ truyền thống là công nhân và tình hình mất việc, giảm lương… tác động trực tiếp đến sức mua ở chợ, khiến nhiều tiểu thương rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm”, ông Điền phán đoán.
Xu hướng mua hàng online cũng là yếu tố TS Điền nói tới.
Vai trò của chợ truyền thống ở đâu?
Dù tán thành nhận định chợ truyền thống sẽ giảm dần nhưng TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của thị trường này. Chợ truyền thống thể hiện được nét đặc trưng của ẩm thực Việt, là nơi có cách thức tiêu thụ hàng tươi sống rất tốt và linh động.
“Hiện tại, những đất nước phát triển như Pháp, Nhật Bản vẫn còn chợ truyền thống. Chợ truyền thống là một lựa chọn tốt, vấn đề chỉ là chuẩn hóa”, ông Hiển nhận định.
Theo ông Hiển, các địa phương cần chuẩn hóa về tổ chức, giao thông để người mua có thể tiện lợi di chuyển vào các khu chợ truyền thống, thay vì dừng xe mua nhanh dọc đường. Sau nữa, chính quyền tại đô thị cần nâng cấp vệ sinh hạ tầng, cống thoát nước, nhà vệ sinh ở các khu chợ đảm bảo sạch sẽ, văn minh.
Các khu chợ truyền thống cần thay đổi để tồn tại trong tương lai (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Nếu cứ giữ theo kiểu cũ, Ban quản lý chợ không đầu tư được, người bán cũng không mặn mà chăm chút cho không gian bán hàng của mình thì rất khó. Những thay đổi cần thiết sẽ giúp chợ truyền thống giữ được chỗ đứng vững chắc, song song với phát triển các mô hình thương mại hiện đại khác”, ông Hiển nói.
Sau hết, vị tiến sĩ dự đoán, phải đến hết quý III/2023 tình hình kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống mới mong phục hồi. Cụ thể, quý II cũng chỉ có thể mong “lấy lại sự bình thường”, quý III mới tới giai đoạn khắc phục khó khăn để bật lên sau đó. Thời điểm hiện tại, theo ông Hiển, các tiểu thương chỉ có thể “cầm cự và cố gắng giữ nghiệp”.
Tương tự, TS Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, chợ truyền thống cần thay đổi nếu không sẽ khó trụ. Theo ông, chợ cần được quy hoạch bài bản, tập hợp thành khu riêng, loại bỏ tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè để đảm bảo điều kiện công bằng cho các tiểu thương có sạp hoặc cửa hiệu tại chợ, tại nhà, chi phí mặt bằng cao.
Các chuyên gia cho rằng, chợ truyền thống có thể tồn tại nhưng phải theo kiểu mới (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bên cạnh đó, tiểu thương cũng phải tự ý thức tìm hiểu rõ về nguồn gốc của sản phẩm, niêm yết giá rõ ràng, phối hợp khai thác cả kênh bán hàng trực tuyến…
Đồng thời, TPHCM chỉ cần quy hoạch đúng, kiểm soát nghiêm thì chợ truyền thống có khả năng tồn tại nhưng sẽ hiện diện theo kiểu mới.
Ông Lê Đình Hiếu, đại diện Sở Công thương TPHCM lý giải tình trạng tiểu thương chợ truyền thống khóc ròng vì ế có nhiều nguyên nhân. Trong đó có tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Trong nước, doanh nghiệp cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đơn hàng suy giảm, công nhân giảm việc, mất thu nhập. Các chính sách điều tiết, thắt chặt chi tiêu cũng làm sức mua giảm.
“Việc người tiêu dùng ít đến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống hơn cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực mà là một phần xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay”, ông Hiếu nhấn mạnh.