Lần cuối cùng Nga đảm nhận vai trò này là vào tháng 2.2022 khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Trong phát biểu đêm 1.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc Nga ngồi ghế chủ tịch HĐBA là “phi lý” và đã đến lúc phải cải tổ toàn diện các thiết chế toàn cầu, bao gồm HĐBA. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng việc này là “một cú tát vào mặt cộng đồng quốc tế”, theo Hãng tin Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp trực tuyến với các thành viên HĐBA ngày 31.3
Mặc dù vai trò này chủ yếu mang tính thủ tục, Điện Kremlin và các quan chức khác của Nga tuyên bố sẽ “thực hiện tất cả các quyền của mình”. “Nga sẽ hành động như một bên trung gian trung thực trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình tại HĐBA và những nỗ lực khiêu khích Nga chắc chắn sẽ thất bại”, Hãng tin TASS dẫn lời ông Dmitry Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ, phát biểu trên kênh Telegram ngày 1.4.
Liên quan tình hình chiến trường, đại tá Oleksii Dmytrashkivskyi, người phát ngôn của đơn vị quân đội Ukraine bảo vệ phía nam tỉnh Donetsk, ngày 2.4 cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi quân đội Nga khỏi “một số vị trí” theo hướng Donetsk, theo trang The Kyiv Independent. Ông cũng tiết lộ Nga đã tấn công thành phố công nghiệp Avdiivka khoảng 30 lần trong ngày qua, chủ yếu bằng bộ binh, chỉ được hỗ trợ bởi hai xe tăng.
Avdiivka gần đây đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công và giới chức Ukraine thừa nhận rằng thành phố này có thể trở thành một “Bakhmut thứ hai”. Cả hai đều thuộc Donetsk và Bakhmut đã chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt nhất trong nhiều tháng qua với kết cục vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất ngày 2.4, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ cho rằng Nga đã không hoàn thành mục tiêu chiếm đóng toàn bộ khu vực Donbass, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk của Ukraine, trước ngày 31.3. Moscow không lập tức bình luận về đánh giá này.