Vì sao ngân hàng giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng không cao?

Các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3, là cơ sở để hạ lãi vay. Mặc dù lãi suất giảm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng đang gặp khó khăn đầu ra do cầu tín dụng thấp.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn đầu ra do cầu tín dụng thấp. Ảnh minh hoạ

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động quý I/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức chiều 31/3 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong tháng 3 và quý I/2023, NHNN đã khẩn trương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao.

NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM), khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3.

Trên cơ sở đó, NHTM có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính. Căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và tiếp tục chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm, theo thống kê, có ít nhất 24 NHTM giảm lãi suất huy động và cho vay. Gần đây Tổng cục Thống kê báo cáo tăng trưởng kinh tế chậm, chỉ số lạm phát giảm theo xu hướng toàn cầu. Do đó, có thể phần nào “yên tâm” về mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm nay có thể đạt mục tiêu dưới 4,5%. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn, xuất khẩu giảm, cầu tín dụng của nền kinh tế suy giảm.

“Sau đại dịch, do tình hình kinh tế toàn cầu tác động, các doanh nghiệp còn khó khăn, trong khi đó thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang dư thừa lớn, thể hiện qua 2 chỉ tiêu, đó là dự trữ số dư tiền gửi thừa lớn, liên tục vượt mức dự trữ bắt buộc, lãi suất liên ngân hàng giảm thấp. Không thể nói ngành ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng các NHTM đang gặp khó khăn đầu ra”, ông Phạm Chí Quang nói.

Tại họp báo, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt hỗ trợ các ngành nghề gặp khó khăn.

“NHNN sẽ triển khai hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ (như đợt hỗ trợ dịch COVID-19). Tuy nhiên, NHNN đặc biệt chú ý vấn đề cơ sở pháp lý, đánh giá ngành nghề đối tượng cần thiết, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó đi đôi với sự an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không che dấu nợ xấu qua việc giãn, hoãn, bảo đảm an toàn tài chính các tổ chức tín dụng. Khó khăn DN lúc này không phải thiếu vốn mà là do dòng tiền, hàng hoá, tiêu thụ…nhưng để hỗ trợ DN cần sự đồng hành của các NHTM. Đây cũng là chỉ đạo nhất quán quyết liệt của Chính phủ thời gian qua”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho hay đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương.