“Thủ phủ cây ăn quả” Hoài Ân
Hoài Ân là vùng trung du, có thế mạnh nhiều diện tích đất vườn chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong vườn trồng đủ các loại cây không hiệu quả, thậm chí có thời điểm, bà con trồng cây keo lai, lấn áp đất sản xuất.
Năm 2015, huyện Hoài Ân triển khai dự án hỗ trợ phát triển cây trồng có thế mạnh giai đoạn 2016-2020.
Đến nay, Hoài Ân định vị “thủ phủ cây ăn quả” với bạt ngàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, bơ, cam, quýt, dừa xiêm, chè Gò Loi – đặc sản của địa phương.
Nông dân huyện Hoài Ân thoát nghèo từ các mô hình trồng cây ăn quả (Ảnh: Doãn Công).
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân, tổng diện tích quy hoạch trồng cây ăn quả của huyện đến nay khoảng 1.600ha. Trong đó, cây bưởi da xanh có diện tích trồng lớn nhất, gần 860ha.
Để khuyến khích nông dân, ban đầu huyện hỗ trợ cây giống 100% giá trị theo thời điểm; hỗ trợ chăm sóc và thuốc bảo vệ thực vật 3 năm đầu (mỗi năm 1,6 triệu đồng/ha); hỗ trợ hệ thống nước tưới.
Giai đoạn 2015 – 2020, có 75 hộ nông dân và HTX Nông nghiệp trên địa bàn tham gia dự án với tổng diện tích gần 76ha. Trong đó có gần 43ha bưởi da xanh của 52 hộ dân, hơn 8.600 cây bơ sáp của 23 hộ dân, riêng chè Gò Loi có 9 hộ tham gia trồng và khắc phục trồng dặm bằng chè hạt với diện tích trên 4,2 ha.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc (trái) thăm mô hình trồng bưởi da xanh, hồ tiêu, bơ trên diện tích trên 12ha của ông Đặng Văn Cấp (Ảnh: Doãn Công).
Huyện Hoài Ân đã thành lập 3 nhóm nông dân trồng bưởi tại 3 xã với 178 thành viên; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nông nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện và chính quyền các xã tổ chức lớp dạy nghề trồng cây có múi.
“Nông dân tham gia dự án được hưởng lợi từ hiệu quả kinh tế của những loại cây ăn quả có giá trị cao. Bên cạnh đó, được tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề nông nghiệp nằm trong khuôn khổ dự án”, ông Vương nói.
Nông dân thoát nghèo bền vững
Chỉ qua 7 năm thực hiện dự án, những nông sản mang thương hiệu Hoài Ân như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, tiêu hột, chè Gò Loi đã vươn xa khắp đất nước. Nhiều khu vườn có mức lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Đình Độ thu khoảng 600 triệu đồng/năm, sau khi khai tử cây keo và trồng bưởi da xanh thay thế (Ảnh: Doãn Công).
Nông dân Phạm Đình Độ (61 tuổi) cho hay năm 2016, sau khi tham quan các hộ trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện, gia đình ông đăng ký trồng 4ha bưởi da xanh. Đến nay, diện tích trồng bưởi da xanh của hộ nông dân này tăng lên 7ha, mang lại thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Theo ông Độ, nông dân muốn sản xuất thành công phải có nghị lực, tinh thần không ngại khó tìm tòi, học hỏi, nắm bắt kịp thời ứng dụng khoa học kỹ thuật, đúc kết kinh nghiệm.
Lãnh đạo huyện Hoài Ân khen thưởng cho tập thể và nông dân trồng trọt giỏi (Ảnh: Doãn Công).
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc khẳng định, ngoài mang lại hiệu quả về kinh tế, dự án còn làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, nhất là công tác cải tạo vườn tạp.
Những khu vườn và đất gò đồi ở Hoài Ân bây giờ đã phủ xanh những loại cây ăn quả “thời thượng”, có giá trị kinh tế cao.
“Thời gian tới, Hoài Ân tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ để duy trì, phát triển thương hiệu bưởi Hoài Ân; tổ chức thu mua, sơ chế, đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến và tiêu thụ vùng sản xuất bưởi da xanh”, ông Nguyễn Hữu Khúc cho hay.