Những yếu tố định hướng thị trường bất động sản châu Á trong năm 2023

Sau một năm khó khăn với cả nhà đầu tư vào năm 2022, các cơ hội đang bắt đầu xuất hiện. Châu Á là một khu vực đa dạng với nhiều nền kinh tế khác nhau, trong đó mỗi thị trường nằm trong chu kỳ kinh tế của riêng mình. Điều này có nghĩa là tính chọn lọc về thị trường và phân khúc là chìa khóa mở ra cơ hội cho giới đầu tư.

Phục hồi theo định hướng dịch vụ để hỗ trợ tăng trưởng khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Các dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động kinh tế và đi lại đã bắt đầu bình thường hóa khi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid. Giới chuyên gia cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong các hoạt động du lịch trong và ngoài Trung Quốc đại lục.

Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc dự kiến mang lại hiệu ứng dây chuyền tích cực cho các lĩnh vực khác trong khu vực, như nghỉ dưỡng, khách sạn, hàng không, bán lẻ,… Việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén cũng có thể xuất hiện dưới dạng “chi tiêu để trả thù” và tác động có thể chuyển sang các công ty bất động sản sở hữu trung tâm mua sắm.

Trái ngược với đa số quốc gia, lạm phát không phải là mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ chung là 1,8% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn tỷ lệ dự kiến là 3%. Áp lực lạm phát thấp đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất cho vay cơ bản trong năm qua.

Kể từ quý IV/2022, các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ thị trường bất động sản trong nước nhằm khuyến khích sự phát triển lành mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp để đảm bảo tiến độ giao nhà đúng hạn, các cơ quan chính phủ khác nhau đã đưa ra các chính sách phối hợp để mở rộng các kênh tài chính cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân đang gặp khó khăn nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho họ.

Do triển vọng kinh tế của Trung Quốc đại lục đã được cải thiện rõ ràng, nên sự phục hồi nhờ dịch vụ của quốc gia này có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức 6,2% vào năm 2023 và 4,5% vào năm 2024. Với quy mô của Trung Quốc, hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn của nước này trong năm nay có thể góp phần nâng GDP tổng thể ở châu Á.

Rủi ro suy thoái ở các thị trường phát triển có thể là cơ hội cho châu Á

Mặc dù dự báo mới nhất của các chuyên gia đã chỉ ra một triển vọng ít bi quan hơn, song những bất ổn về tăng trưởng và lạm phát ở Mỹ và các thị trường phát triển khác vẫn tồn tại.

Các chuyên gia của Schroders tiếp tục tin rằng Mỹ đang hướng tới đợt suy thoái vào nửa cuối năm 2023 do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, mặc dù mức độ sẽ không nghiêm trọng như dự đoán trước đây. Giới chuyên gia dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất vào năm 2023, nhưng tốc độ sẽ vừa phải hơn để lãi suất đạt mức đáy 3,25% vào giữa năm 2024.

Ở những nơi khác, chẳng hạn như tại Vương quốc Anh, suy thoái kinh tế vẫn còn tiềm ẩn khi lạm phát và lãi suất cao hơn, cùng với chính sách tài khóa thắt chặt, làm giảm triển vọng.

Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế của nước này sẽ giảm hẳn 0,8% vào năm 2023. Các rủi ro tiềm ẩn bao gồm chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, nền kinh tế khu vực đồng euro có thể sẽ bị trì trệ, mặc dù nó được kỳ vọng sẽ tránh được suy thoái do thu nhập hộ gia đình được cải thiện và lạm phát sẽ giảm nhanh hơn trong năm.

Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng đón nhận các thông tin không mấy tích cực. Từ góc độ định giá, thị trường châu Á hiện đang có hiệu suất vượt trội so với các thị trường phương Tây. Tâm lý thị trường được cải thiện cũng như sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng có khả năng sẽ hỗ trợ cho các thị trường trong khu vực châu Á.

Các đồng tiền của những quốc gia châu Á tìm chỗ đứng ổn định hơn khi đồng USD giảm giá

Do tầm quan trọng của đồng USD đối với các khoản đầu tư toàn cầu, điều quan trọng là phải xem đồng tiền này đang hướng tới đâu. Giới phân tích cho rằng đồng USD đã đạt đỉnh và sự khác biệt trong chính sách của ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ gây áp lực khiến đồng tiền mất giá hơn nữa.

Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy cả lạm phát chung và lạm phát cơ bản ở Mỹ đang có xu hướng giảm, thị trường lao động nội địa tại Mỹ vẫn thắt chặt, điều này có thể khiến chính sách tiền tệ bị hạn chế trong thời gian dài hơn.

Đổi lại, các đồng tiền của những quốc gia châu Á sẽ có thể tìm được chỗ đứng ổn định hơn, và do đó cung cấp một môi trường thuận lợi hơn cho thị trường trái phiếu châu Á, đặc biệt là trái phiếu bằng đồng nội tệ.

Đối với các thị trường châu Á vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có mối tương quan tích cực với lợi suất trái phiếu, chẳng hạn như ngân hàng.

Cách tiếp cận đầu tư linh hoạt vẫn là chìa khóa trong thời kỳ biến động kinh tế

Thế giới đang bước vào một thời kỳ mới về chính sách và hành vi thị trường sau chu kỳ giảm phát kéo dài 40 năm. Với những rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế, địa chính trị, áp lực lạm phát và khủng hoảng năng lượng toàn cầu tiếp tục làm tăng thêm sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư sẽ cần phải thay đổi cách định giá tài sản, tìm cơ hội đầu tư và quản lý rủi ro.

Để vượt qua sự không chắc chắn của thị trường, giới chuyên gia tin rằng việc nắm giữ các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và tiền mặt có thể giúp giảm bớt rủi ro, trong khi các tài sản thay thế như vàng có thể đóng vai trò như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, việc thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt có tính đến tăng trưởng và thu nhập sẽ giúp các nhà đầu tư xây dựng một danh mục đầu tư linh hoạt hơn, có thể bảo vệ họ khỏi những “cơn gió ngược” tiềm tàng.