Biến rác thành nguồn thu
Đã 4 năm qua hình ảnh chiếc xe rác 2 ngăn cùng các công nhân vệ sinh của HTX Dịch vụ Môi trường Tân Phong (HTX Tân Phong) đã trở nên thân quen với người dân thôn Yên Định khi đều đặn 2 ngày/lần lại qua khắp ngõ xóm để gom rác thải sinh hoạt.
Xách 2 thùng rác đặt gọn bên góc tường để chờ nhân viên vệ sinh môi trường thu gom, bà Phùng Thị Vui (thôn Yên Định, xã Tân Phong) cho biết, trước kia gia đình bà và nhiều hộ dân khác vẫn thường vứt hoặc tự đốt rác. Nhưng từ khi có dịch vụ của HTX Tân Phong, người dân đã làm quen với việc thu gom rác thải sinh hoạt. Ban đầu, rác được gom vào một túi nhưng về sau, do được chính quyền và HTX Tân Phong tuyên truyền, cấp phát 2 thùng gom rác thì người dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đến nay, việc có hai thùng rác dường như đã trở thành chuyện đương nhiên trong sinh hoạt thường ngày của người dân xã Tân Phong.
Tranh thủ nghỉ ngơi trong quá trình điều khiển xe đi gom rác, ông Trần Văn Tính (nhân viên HTX Tân Phong) chia sẻ, công việc gom rác của ông thực hiện cách nhật (15 ngày/tháng) cho thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Xe gắn động cơ và rác đã phân loại nên công việc của ông cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, niềm vui lớn hơn cả đối với ông Tính và các nhân viên của HTX Tân Phong là đã góp phần bảo vệ môi trường và làm gia tăng giá trị của rác thải.
Năm 2014, trước đòi hỏi thực tế cũng như yêu cầu xây dựng nông thôn mới về việc cần có đơn vị chuyên trách thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, ông Trần Bá Bình đã đứng ra thành lập HTX Dịch vụ Môi trường Tân Phong.
Thời gian đầu, HTX Tân Phong chỉ tới các gia đình thu gom rác rồi vận chuyển ra bãi tập kết. Nhưng càng về sau, lượng rác thu gom ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Tình cờ tìm hiểu trên mạng internet, ông Bình thấy mô hình nuôi giun quế giúp xử lý rác hữu cơ nên ông học hỏi và ứng dụng.
Nhưng mô hình này lại gặp khó khăn khi áp dụng tại địa phương bởi rác thải sinh hoạt hỗn tạp (không đơn thuần là rác hữu cơ) nên không thể ủ nuôi giun. Không chịu bó tay, ông Bình đề nghị chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn. HTX Tân Phong hỗ trợ mỗi hộ gia đình 2 thùng chứa rác (một đựng rác hữu cơ, một thùng chứa rác vô cơ).
Rác hữu cơ sau khi thu gom, tập kết sẽ được ủ men vi sinh chừng 3 ngày để làm thức ăn nuôi giun quế. Nhờ đó, dù rác hữu cơ đầy khoang chứa nhưng không có mùi khó chịu. Sau quá trình phân hủy, rác vô cơ trở thành phân bón (giá khoảng 2.000đ/kg). Còn giun quế trở thành thức ăn cho gia cầm.
Ông Bình trăn trở tìm hướng giải quyết triệt để rác vô cơ.
Nhờ giun quế phân hủy, rác hữu cơ trở thành nguồn phân bón đảm bảo vi lượng.
Mô hình cần nhân rộng
Đến nay, chuỗi mô hình thu gom và xử lý rác như trên đem về cho HTX Tân Phong doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm và tạo ra việc làm ổn định cho 7 lao động. Tuy vậy, ông Trần Bá Bình vẫn không khỏi băn khoăn vì “núi rác” vô cơ đang tồn tại bên dòng sông Phan.
Ông Bình chia sẻ, ông đang nghiên cứu tìm cách xử lý triệt để khoảng 4.500 tấn rác vô cơ phát sinh mỗi tháng. Lượng rác này lẫn nhiều túi nilon, bao bì nên ông đã đề xuất với các cấp hỗ trợ đầu tư xây dựng dây chuyền phân loại rác: Sau phân loại, túi nilon sẽ được đưa vào dây chuyền tái chế thành hạt nhựa; các loại phế thải hỗn hợp khác được đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng.
Ông Lê Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết từ khi HTX Tân Phong ra đời đã khiến việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt diễn ra bài bản. Người dân trong xã đã hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn; Còn HTX Tân Phong cũng đã “biến” rác hữu cơ thành nguồn thu. Xã cũng đang phối hợp cùng HTX lên phương án phân loại và xử lý dứt điểm lượng rác vô cơ.
Còn ông Bùi Văn Đông, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, HTX Tân Phong đã đi tiên phong trong việc định hình quy trình phi rác thải, tạo ra những nét riêng và mang giá trị tích cực cho xã hội, nhất là nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn và biến rác thành tài nguyên. Trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có biện pháp thúc đẩy để HTX Tân Phong phát triển xứng tầm, trở thành điển hình để các HTX Dịch vụ môi trường ở các địa phương khác học hỏi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát sinh khoảng 920 tấn rác thải/ngày (khu vực đô thị khoảng 350; khu vực khoảng 570 tấn). Tỷ lệ thu gom rác thải ở thành thị mới đạt 96%, tần suất 1 lần/ngày; khu vực nông thôn đạt 76%, tần suất trung bình từ 1 – 3 ngày một lần.
Để xử lý tối đa lượng rác thải sinh hoạt, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đề án, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác một cách triệt để, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa phát sinh các giá trị gia tăng từ rác thải.
Nhằm triển khai hiệu quả các đề án, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường; ban hành sổ tay hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phân loại rác tại nguồn (trong đó, mô hình phân loại rác thải tại nguồn được thí điểm thực hiện tại một số địa phương). Công tác tổ chức kiểm tra việc thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tiến hành thường xuyên; đồng thời tạo nguồn, bố trí kinh phí sự nghiệp cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại cộng đồng…
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Vĩnh Phúc nhận định để việc thu gom và xử lý rác hiệu quả cần nhiều yếu tố, trong đó ý thức phân loại rác sinh hoạt tại nguồn phải đặt lên hàng đầu. Hoạt động của HTX Tân Phong đang trở thành điểm sáng trong việc thu gom và xử lý rác, đặc biệt là tạo cho người dân thói quen phân loại rác. Trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác phân loại, thu gom, xử lý rác vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa gia tăng các giá trị từ rác.
Theo Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (ban hành một số quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh), tỉnh ưu đãi, khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định đối với phương tiện, thời gian và tuyến đường vận chuyển chất thải rắn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở TN&MT tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh.