Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ TPHCM) vừa có báo cáo kết quả hoạt động quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023. Trong báo cáo, LĐLĐ TPHCM nhận định, tình hình đời sống việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện rõ rệt cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của thành phố.
Tuy nhiên, công đoàn thành phố đánh giá hiện vẫn còn một số người lao động gặp khó khăn về đời sống, việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm nguồn nguyên vật liệu sản xuất trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán và tiếp tục thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Các doanh nghiệp lĩnh vực thuộc ngành dệt may, giày da vẫn đang tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6 năm 2023 nên tình hình sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thể hiện rõ nhất khó khăn trên là sự kiện công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp có đông công nhân nhất thành phố, đã phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2.358 người, trong đó, đa số là công nhân nữ trên 40 tuổi.
Các doanh nghiệp lĩnh vực thuộc ngành dệt may, giày da vẫn khó khăn về đơn hàng (Ảnh minh họa: Hải Long).
Cũng trong quý 1/2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, với hơn 1.600 người tham gia. Trong đó, có 2 vụ xảy ra tại doanh nghiệp có vốn trong nước (công ty Cổ phần XD Central, công ty TNHH Anh Cường) và 4 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (công ty Da Moa International, công ty TNHH Lecien (VN), công ty TNHH Quang Thái, công ty TNHH Toyo Presicion).
Theo LĐLĐ TPHCM, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tranh chấp lao động là do quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động chưa được đảm bảo. Cụ thể là việc chi thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão chưa công khai kịp thời; doanh nghiệp chậm trả tiền lương, không thực hiện thưởng cuối năm đã được thông qua trong thỏa ước lao động tập thể.
Qua nắm bắt tình hình dư luận xã hội trong quý I/2023, LĐLĐ TPHCM nhận thấy người lao động đang rất quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đa số người lao động cho rằng cần giữ nguyên quy định hiện hành đối với việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo LĐLĐ TPHCM, nguyên nhân mà người lao động muốn giữ quy định rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay là vì phần lớn công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp đến từ các tỉnh và xuất thân từ nông dân nên khi nghỉ việc sẽ trở về quê.
Mặc khác, một số doanh nghiệp hiện nay có xu hướng chỉ tuyển dụng lao động trẻ (từ 18 – 30 tuổi), khi hết hạn hợp đồng sẽ không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động đối với những người từ 45 tuổi trở lên. Số công nhân lớn tuổi bị mất việc sẽ rất khó xin được việc làm, thường sẽ trở về quê làm nông, buôn bán nhỏ để sinh sống.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến góp ý. Dự thảo Luật lần này được nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.