Đến xứ biển Ba Hòn hỏi thăm nhà ông Ân ít người biết, nhưng hỏi ông Chín Liều thì nhiều người tường tận.
Mọi người còn hết lời khen ngợi, bởi Chín Liều bằng nghị lực của bản thân đã vượt lên số phận bằng tài lặn biển bắt cá, tôm, cua… trên vùng biển Kiên Lương.
Ông Vương Hoài Ân, (biệt danh Chín Liều, 56 tuổi), một nông dân bị mù từ nhỏ, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) mưu sinh với nghề bắt cá, tôm, cua…ở vùng biển Kiên Lương.
Ông Chín Liều kể, khi ra đời ông như bao đứa trẻ khác, lành lặn bình thường. Năm lên 7 tuổi, ông bị phát bệnh ban đỏ, mắt mờ dần.
Dù gia đình cố gắng chạy chữa nhưng đôi mắt ông không khỏi, đến năm 20 tuổi thì ông mù hẳn. Thời gian đầu bị mù, ông tuyệt vọng và từng tìm đến cái chết vì sợ trở thành gánh nặng của gia đình.
Cha mẹ thương yêu và thường xuyên động viên nên ông có động lực để vượt qua nghịch cảnh.
Ông cố gắng học thuộc từng ngõ ngách quanh nhà, tự chăm sóc bản thân và theo người lớn tập đi ghe biển, dần dần ông tự tin hơn với việc đi biển mưu sinh.
“Tôi nhớ có lần tàu câu cá xa bờ trúng cá mú lớn, ước nặng khoảng 50kg. Lúc đó trên tàu có 5 người cùng kéo cá mà không lên. Tài công bảo một người nhảy xuống bắt cá lên, vì khá xa bờ nên ai cũng từ chối. Tôi nghĩ, nếu lặn xuống bắt được cá mú to thế thì tiền công nhiều nên tôi xung phong.
Tôi đeo bình hơi rồi nhảy xuống biển, lần mò theo dây câu đến con cá mú. Tôi nắm mang cá, vật lộn hồi lâu dưới biển cùng lực kéo của cả nhóm trên tàu chúng tôi mới lôi được con cá lên mặt nước. Biệt danh Chín Liều của tôi có từ đó”, ông Chín Liều kể.
“Chiến lợi phẩm” sau vài giờ lặn biển của ông Chín Liều là những con cá, tôm, cua…ở vùng biển nổi tiếng Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Đi biển thuê khoảng 10 năm, dành dụm được ít tiền, Chín Liều mua đất cất nhà. Từ khi vào bờ, ông không đi câu mà chuyển sang nghề lặn biển. Biệt tài của Chín Liều là lặn biển không cần ống hơi, đồ bảo hộ. Chỉ cần bao tay, thùng tự chế đựng hải sản và chai nước lọc, Chín Liều vô tư lặn.
“Ngày trước, tôi đi lặn một buổi vài tiếng có thể bắt khoảng chục ký cá, cua, tôm… Giờ hải sản ít hẳn, tôi lặn biển cả ngày chỉ được vài ký”, ông Chín Liều nói.
“Tôi biết ông Chín hơn 6 năm. Tôi rất thán phục nghị lực và tài lặn biển của ông ấy. Ở đây ít ai làm được như ông. Người ta lặn có ống hơi, còn ông Chín lặn biển chỉ với hai bàn tay không. Tôi quý ông Chín, có lúc gặp ông đi lặn về ngang nhà, tôi mua hải sản ủng hộ”, ông Trần Văn Tài, ngụ huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) kể.
Mù lòa, kinh tế chẳng khá giả gì nhưng Chín Liều đã “liều” nhận con nuôi. Nhiều năm qua, Chín Liều và người con nuôi – Vương Thị Kim Vui nương tựa nhau sống.
Kim Vui có chồng, sinh con, gia đình nhỏ của Chín Liều thêm phần tươi mới bởi tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ.
Ông Chín Liều chia sẻ: “Cha mẹ Vui qua đời hồi con 9 tuổi. Tôi thương quá, nhận Vui làm con nuôi vừa đỡ đần con vừa làm niềm vui cho mình. Giờ con lập gia đình, tôi có cháu. Con, cháu lễ phép, chăm ngoan, tôi vui lắm”.
Hơn 20 năm qua, chị Vui là người bạn đồng hành không thể thiếu của ông Chín trong những chuyến lặn biển. Mỗi ngày, chị Vui chở cha đến nơi làm việc rồi về nhà nấu cơm, vài tiếng sau chị quay lại rước cha về nghỉ.
Chị Vui chia sẻ: “Tôi bị bệnh, không thể đi lặn biển với cha được. Hàng ngày, số hải sản mà cha vất vả lặn biển bắt được, tôi đem bán lẻ hoặc cân cho bạn hàng ở chợ. Ngày trúng cha con tôi kiếm được 500.000 đồng. Những ngày biển động cha ở nhà…”.