Màu áo trong lòng dân

Biên phòng – Những năm qua, thực hiện khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cùng với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, BĐBP Quảng Trị đã tham gia xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh ở địa bàn biên giới, nâng cao đời sống nhân dân. Những việc làm của các anh xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm mong muốn sẻ chia của người lính mang quân hàm xanh với bà con các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô… ở miền biên viễn.


Mô hình “Dê giống khởi nghiệp” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay. Ảnh: CTV

Vực dậy vùng biên

A Bung và A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là 2 xã biên giới với 22,572km đường biên, 16 thôn bản, tiếp giáp với huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, nước bạn Lào. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều sống dựa vào nương rẫy và trồng cây lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp với nhiều tập tục lạc hậu.

Thế nhưng bây giờ, trên miền biên viễn này, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Từ ngày Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và tỉnh Quảng Trị nâng cấp cửa khẩu La Lay thành CKQT, từ trung tâm huyện lỵ về A Ngo, A Bung với khoảng cách hơn 70km đều đi được bằng ô tô hết sức thuận lợi. Hai bên đường, nhiều hộ gia đình trước đây ở trong núi sâu đã ra làm nhà, mở cơ sở buôn bán, kinh doanh, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần đã có bước cải thiện đáng kể.

Có được những đổi thay ấy, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay. Từ sự chung tay bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, đến nay, 2 xã A Ngo và A Bung đã có sự chuyển tích cực trên mọi mặt, nhất là đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cuối năm 2020, nhằm tiếp thêm nguồn lực cho các gia đình vùng cao còn nhiều khó khăn có nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đồn tiếp tục triển khai mô hình “Dê giống khởi nghiệp”.

Ban đầu, bằng số tiền hơn 12 triệu đồng do đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đóng góp, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã mua 4 con dê cái giống và phối hợp cùng Xã đoàn A Ngo, A Bung giao cho 2 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã chăn nuôi. Bên cạnh hỗ trợ con giống, Đoàn thanh niên đơn vị còn hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh để dê nhanh lớn, khỏe mạnh và sớm sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đầu năm 2021, cả 4 con dê giống đã sinh sản lứa đầu tiên được 8 dê con. Đến nay, “nguồn vốn” đặc biệt này tiếp tục phát triển, được quay vòng và hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu khác trên địa bàn.

Hai năm trước, gia đình anh Hồ Văn Thuở (thôn A Đeng, xã A Ngo) được Đồn Biên phòng CKQT La Lay tặng cặp dê giống. Ghi nhớ lời dặn của cán bộ Biên phòng là phải chăm sóc thật chu đáo để dê sinh sản thành đàn, từ đó có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, thoát nghèo bền vững, vợ chồng anh Thuở đã bước đầu thành công khi đến nay, gia đình đã có đàn dê hơn 10 con.

“Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ có sự giúp sức của BĐBP, vợ chồng tôi được hỗ trợ dê giống, có vốn để làm ăn. Chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, BĐBP” – anh Thuở chia sẻ.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa, chất lượng, tạo sinh kế, giúp người dân phát triển kinh tế, đồng thời, nâng cao nhận thức cho nhân dân về pháp luật, biên giới, chủ quyền lãnh thổ”. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT La Lay khẳng định.

Không chỉ gia đình anh Thuở, mà mỗi năm, trên địa bàn 2 xã A Ngo, A Bung do Đồn Biên phòng CKQT La Lay quản lý, mô hình “Dê giống khởi nghiệp” đã giúp rất nhiều hộ gia đình có động lực để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Nhiều gia đình đã được BĐBP giúp sức để thoát nghèo và từ đó, những bản làng cũng được đổi thay. Điển hình như tại thôn La Hót, toàn thôn có 74 hộ dân với 344 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Pa Kô chiếm trên 95% dân số. Trong những năm qua, người dân La Hót đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay hướng dẫn trồng trọt, phát triển chăn nuôi, với tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng nghìn con. Nhiều hộ gia đình nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô nên đã sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 54%, hộ cận nghèo còn 20,27%, không còn hộ đói. Công tác giáo dục, y tế luôn được chú trọng, toàn thôn có 57/74 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa.

Nghĩa tình nơi biên viễn

Nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nơi biên viễn này đã xem cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay như người nhà, bởi những người lính mang quân hàm xanh có thể làm bất cứ việc gì để cuộc sống của bà con ngày càng tốt đẹp hơn. Nhất là trong phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân để thoát nghèo bền vững, loại bỏ những hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, chăm lo việc học hành, chăm lo sức khỏe người dân, giữ gìn và phát triển diện tích rừng.


Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La Lay thường xuyên bám dân, bám địa bàn, gắn bó với nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Tiêu Dao

Thời tiết vùng miền núi biên giới nhiệt độ xuống thấp, nhưng cái rét không làm giảm lòng nhiệt huyết của cán bộ, chiến sĩ ở nơi đây. Về với bà con đồng bào còn nhiều khó khăn, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã chung sức cùng nhân dân dựng xây những công trình, thực hiện những phần việc ý nghĩa, thiết thực, ấm áp tình quân – dân.

Những “Tiết học biên giới”, những chương trình, mô hình an sinh xã hội ý nghĩa đã được cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng CKQT La Lay duy trì thực hiện như “Ánh sáng vùng biên”, “Nồi cháo nghĩa tình”, “Bánh mì cho em”, “Tay kéo Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, “Ánh sáng vùng biên”… hỗ trợ các bản lắp đường điện chiếu sáng, xây dựng các công trình nước sạch cho người dân các bản làng hai bên biên giới, tặng quà, đỡ đầu các gia đình khó khăn trên địa bàn. Bởi vậy, bà con nhân dân trên địa bàn ai cũng thương các anh bộ đội, coi các anh như người thân, như một phần của bản làng.

“Cán bộ Biên phòng có thể cùng dân làm mọi việc để cuộc sống tốt hơn, văn minh hơn nên bà con rất yêu quý và trân trọng họ!” – anh Hồ Văn La Hai nói khi nhận suất cháo nóng từ tay các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây. Điều đặc biệt là gần 3 năm qua, cứ vào ngày thứ 6 hàng tuần, bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 lại được đón nhận những phần cháo dinh dưỡng thơm ngon do chính tay các chiến sĩ BĐBP nấu tặng. Cùng với đó, chương trình “Bánh mì cho em” cũng được triển khai tới nhiều trường tiểu học, mầm non trên địa bàn các xã A Ngo, A Bung.

Để có kinh phí thực hiện ổn định, lâu dài cho các mô hình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay và nhân viên công đoàn Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã tiến hành quyên góp quỹ, ngoài ra còn kêu gọi nguồn ủng hộ từ các nhà hảo tâm. “Khó có thể kể hết nghĩa tình của Đồn Biên phòng CKQT La Lay đối với dân bản bởi cán bộ, chiến sĩ đơn vị có thể chung tay làm bất cứ việc gì từ chăn nuôi, trồng trọt, tu sửa đường sá, thủy lợi, dạy học, xây dựng đời sống văn hóa mới, khám chữa bệnh… để giúp bà con ngày càng có cuộc sống tốt hơn” – già làng Lê Hoàn, thôn A Bung, xã A Bung chia sẻ.

Tiêu Dao