Ngày 19/3, hàng chục tàu thuyền của ngư dân quê các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An cập cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) – cảng cá lớn nhất ở Hà Tĩnh).
Tàu thuyền nào vào bờ cũng đầy ắp cá cơm trong khoang. Hàng trăm khay nhựa đựng cá cơm được hối hả chuyển lên bến bán.
Những khay cá cơm được tập kết tại cảng Cửa Sót (Ảnh: N.D.).
Ngư dân trúng đậm hàng tấn cá cơm (Video: N.D.).
Trên bến cảng, nhiều thương lái có mặt từ sáng sớm để thu mua cá. Tiếng bốc xếp hàng, tiếng gọi nhau, tiếng ngã giá mua bán và phương tiện ra vào khiến cảng Cửa Sót náo nhiệt.
Cá cơm được thương lái đến gom mua rất nhanh chóng. Cá sau khi được mua, thương lái sẽ ướp đá lạnh và vận chuyển đến các cơ sở chế biến hoặc chợ đầu mối để tiêu thụ. Thương lái mua số lượng lớn còn huy động thêm xe tải để vận chuyển đến tỉnh khác tiêu thụ.
Nhiều người dân địa phương hay tin cũng đến nhập hàng để đưa ra các khu chợ dân sinh bán kiếm lời.
Cá cơm được thương lái thu mua ngay tại cảng (Ảnh: N.D.).
Theo ngư dân Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa), khoảng 3-4 ngày nay, do thời tiết thuận lợi, vùng biển cách cảng cá Cửa Sót từ 15 đến 40 hải lý xuất hiện rất nhiều luồng cá cơm.
Sau hơn 2 ngày đánh bắt trên biển, sáng `19/3, tàu của ông Hùng cập cảng với hàng tấn cá cơm, bán cho thương lái với giá dao động 15.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài cá cơm, tàu của ông Hùng còn đánh bắt được mực và một số hải sản khác.
Sau khi trừ chi phí, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Hùng thu về hàng chục triệu đồng mỗi chuyến. Việc trúng đậm luồng cá khiến ông và thuyền viên rất phấn khởi.
“Sau khi bán hết cá, chúng tôi lại chuẩn bị xăng dầu, nhu yếu phẩm để ra khơi đánh bắt tiếp”, ông Hùng nói.
Thương lái mua số lượng lớn còn huy động thêm xe tải để vận chuyển cá cơm đến tỉnh khác tiêu thụ (Ảnh: N.D.).
Theo đại diện Ban Quản lý cảng cá Cửa Sót, những ngày qua, sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá cơm, trung bình mỗi tàu thuyền thu về khoảng 35 triệu đồng. Với tàu 8-10 lao động, sau khi trừ các khoản chi phí, chủ tàu có thể lãi hơn 10 triệu đồng. Những tàu công suất lớn và đi với số lao động nhiều hơn, ngư dân sẽ thu lãi lớn hơn.
Cá cơm phân bố khắp các vùng biển, có kích thước nhỏ, chiều dài tối đa 40cm, thường là dưới 15cm, phổ biến bơi thành đàn và ăn theo kiểu lọc các loại sinh vật phù du.
Cá cơm gần gũi với người dân vùng quê, là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ngoài làm mắm, có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ngon như phơi khô, chiên giòn, kho với thịt, nấu canh chua…