Hạnh phúc bằng cách cho đi
Theo một nghiên cứu từ Khảo sát Nhà đầu tư Mỹ của ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp Natixis, có 68% thanh niên mong được thừa kế tài sản nhưng chỉ có 40% phụ huynh của họ muốn để lại gia tài cho con cái. Điều đó có nghĩa là không phải mọi đứa trẻ lớn lên trong những gia đình siêu giàu đều may mắn được hưởng khối tài sản kếch xù do cha mẹ để lại. Trong đó, gia đình những tỷ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates, Warren Buffet, Mark Zuckerberg… đều chia sẻ quan điểm này.
Nhà đầu tư Warren Buffett nổi tiếng là người dành hầu hết cuộc đời của mình để làm từ thiện. Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway cũng là người thành lập chiến dịch Giving Pledge cùng với tỷ phú Bill Gates. Ông cam kết sẽ trao tặng hơn 99% tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, và chỉ để lại chút ít cho các con. Tuy nhiên, mỗi người con sẽ sở hữu một quỹ trị giá 2 tỷ USD do ông tài trợ.
Tỷ phú Warren Buffet dành cả đời để làm từ thiện. (Ảnh: Getty Image)
Vị tỷ phú gốc Nam Phi, Elon Musk, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, cũng là một trong những thành viên của Giving Pledge, đồng thời là chủ tịch của Musk Foundation với sứ mệnh chuyên cung cấp năng lượng mặt trời cho những vùng gặp thảm họa.
Một thành viên khác của Giving Pledge, nhà sáng lập tập đoàn đầu tư mạo hiểm đa quốc gia Virgin Group, Richard Branson, cũng chia sẻ phần lớn tài sản của mình cho cộng đồng. “Đồ vật không phải là thứ mang đến cho chúng ta niềm vui”, tỷ phú Branson viết và cho rằng gia đình, bạn bè, sức khỏe và sự hài lòng chính là những thứ mang lại cho mọi người cảm xúc về những điều quan trọng trong cuộc sống.
Những tỷ phú khác cũng góp phần vào Quỹ Giving Pledge còn có thể kể tới Larry Ellison – Nhà sáng lập Tập đoàn Oracle. “Nhiều năm trước, tôi đặt gần như tất cả tài sản của mình vào một quỹ với mong muốn cho đi ít nhất 95% tài sản của mình”, tỷ phú này cho biết. Ông đã quyên góp hàng trăm triệu USD vào việc nghiệm cứu y học và giáo dục, và sẽ tiếp tục góp thêm nhiều tỷ USD nữa. …
Bên cạnh đó, ba nhà sáng lập của Airbnb – dịch vụ đặt phòng trực tuyến toàn cầu – là Nathan Blecharczyk, Brian Chesky và Joe Gebbia, cũng đã gia nhập Giving Pledge. Trong đó, Gebbia cho hay: “Mục tiêu đóng góp của tôi sẽ giúp xây dựng nền tảng cho những nhà khởi nghiệp và những nhà phát minh trong tương lai, bất kể tuổi tác, giới tính, hoặc xuất thân, nhằm giúp họ đạt được ước mơ của mình”.
Tỷ phú Warren Buffet ngồi cùng bà Melinda và Bill Gates. (Ảnh: AP)
Ngoài ra, các tỷ phủ cũng có nhiều phương thức khác nhau nhằm để lại di sản cho cộng đồng. Tỷ phú Bill Gates và vợ cũ Melinda khi còn kết hôn đã dành phần lớn tài sản chung cho các hoạt động từ thiện, cụ thể là Quỹ Bill & Melinda Gates có sứ mệnh xóa bỏ bệnh tật, đói nghèo trên toàn cầu.
Tỷ phú George Lucas, ngay sau khi bán Lucasfilm – hãng phim sản xuất ra bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” trị giá hàng tỷ USD, đã tuyên bố phần lớn tài sản của mình sẽ được trao cho các hoạt động từ thiện giáo dục. Để tiếp tục mục tiêu từ thiện giáo dục, ông cũng thành lập Quỹ Giáo dục George Lucas. Ông tuyên bố: “Giáo dục là chìa khoá cho sự sống còn của loài người. Chúng ta phải lên kế hoạch cho tương lai, và việc làm đầu tiên là các công cụ xã hội, tình cảm và trí tuệ mà chúng ta cung cấp cho những đứa trẻ”.
Bà Laurene Powell Jobs thừa hưởng khối tài sản tỷ đô từ chồng bà là Steve Jobs, người sáng lập Apple từ năm 2011. Nữ tỷ phú người Mỹ chia sẻ với tờ Business Insider, bà đã dành cả cuộc đời mình để cho đi khối tài sản của người chồng quá cố “một cách hiệu quả, để giúp các cá nhân và cộng đồng phát triển một cách bền vững”. Bà cũng thành lập Emerson Collective vào năm 2004 – một tổ chức thay đổi xã hội tập trung vào giáo dục, nhập cư và công bằng xã hội. Trên tạp chí Forbes, bà từng nói: “Tiền bạc với tôi là một công cụ để sống độc lập, chứ không phải thứ làm nên con người tôi”.
Andrew Lloyd Webber, nhà soạn nhạc nổi tiếng giàu nhất nước Anh, cũng đã tuyên bố quyên góp tài sản cho nghệ thuật. “Một bản di chúc là thứ mà các bạn sẽ nghĩ đến khi ở tuổi của tôi. Tôi không nghĩ rằng việc giàu có chỉ nên dành cho con cháu mình. Tôi nghĩ rằng việc này nên được quyên góp cho những hoạt động khuyến khích nghệ thuật”, nhà soạn nhạc sinh năm 1948 cho hay.
Khi đón con gái đầu lòng Max chào đời vào năm 2015, Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan tuyên bố họ không có kế hoạch cho cô bé thừa kế hàng tỉ USD. Thay vào đó, vợ chồng CEO Facebook thành lập quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative với mục đích cải thiện các vấn đề về khoa học, giáo dục, năng lượng sạch, kết nối con người….
Vợ chồng nhà Zuckerberg quyết định quyên góp 99% số cổ phiếu trị giá 45 tỷ USD vào quỹ từ thiện.
(Ảnh: Getty Image)
“Chúng tôi sẽ dành 99% cổ phiếu Facebook của mình trong cả đời để thực hiện sứ mệnh này. Chúng tôi biết đây chỉ là một phần đóng góp nhỏ so với mọi nguồn lực và nhân tài trên thế giới đang giải quyết những vấn đề này. Nhưng chúng tôi muốn làm những gì mình có thể, và đồng hành cũng rất nhiều người khác”, vợ chồng ông chủ Meta – công ty mẹ của Facebook chia sẻ.
Bài học về giá trị của lao động
Quyết định của các tỷ phủ khi dành phần lớn tài sản của mình đóng góp cho cộng đồng là một bài học quý báu cho chính những đứa con của họ. Không chỉ đơn thuần là những biệt thự xa hoa hay kì nghỉ dưỡng triệu đô, khi con cái của những gia đình tỷ phú được thừa hưởng tài sản từ cha mẹ mà không phải cố gắng hay lao động sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Chia sẻ với tờ Forbes, bà Lucy Birtwistle – giám đốc quan hệ khách hàng của hãng Stonehage Fleming cho hay: “‘Tôi từng làm việc với các thành viên thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 trong các gia đình giàu có. Những người này thường nói rằng tại sao họ cần phải vào đại học, vấn đề là gì?”. Nói cách khác, càng có nhiều tiền từ khi còn nhỏ, phần lớn trẻ em càng trở nên ít đam mê và động lực đóng góp cho xã hội hơn. Thậm chí, một số người trẻ giàu có chỉ biết đắm chìm trong tiền, chất kích thích và không có áp lực kiếm việc làm.
Bà Laurene Powell Jobs chia sẻ dành cả cuộc đời để cho đi khối tài sản khổng lồ của người chồng quá cố.
(Ảnh: Wire Image)
Những tỷ phú tuyên bố dành tài sản của mình cho tổ chức từ thiện thay vì để lại cho con thường đồng tình rằng: “Nếu cho các con vài tỷ và chúng tiêu xài hết. Cuối cùng chúng vẫn có thể tự huỷ hoại cuộc sống của mình và số tiền đó vẫn sẽ hết mà không đem lại một giá trị nào cả”.
Trong một bài đăng vào tháng 1/2020, tỷ phú Bill Gates từng chia sẻ suy nghĩ về việc thừa kế của con cái mình như sau: “Việc để lại toàn bộ gia sản trị giá hơn 180 tỷ USD của mình sẽ khiến các con mất động lực làm việc và đóng góp cho xã hội… Không phải cho trẻ một khối tài sản khổng lồ là tốt cho chúng. Việc đó làm méo mó những gì trẻ có khả năng làm được để tạo dựng con đường riêng của mình”. Theo đó, ông cũng nhận định rằng các bậc cha mẹ giàu có không nên để lại hết tài sản cho con cái mà hãy cho chúng động lực để cố gắng xây dựng tài sản và giá trị cho bản thân.
Đồng tình, tỷ phú Warren Buffett cho biết ông muốn cho những đứa con của mình “vừa đủ để chúng có thể làm bất kì việc gì, chứ không phải là vừa đủ để chúng không làm gì”. Mặt khác, “ông trùm” khách sạn và bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc), Dự Bành Niên cũng tuyên bố cho đi toàn bộ tài sản của mình với lý do tương tự. Người đàn ông xuất thân nghèo khó và chọn cách cho đi là cách nuôi dạy con cái của tỷ phú này. “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi chỉ làm hại chúng mà thôi”, ông bày tỏ.