Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo; đồng thời giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự có Bộ trưởng Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Nâng tầm vị thế địa phương
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng năm 2022, kinh tế – xã hội Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm tỷ trọng trên 90%).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề xuất kiến nghị đến Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa QL5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và QL17B tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tổng mức đầu tư của dự án khoảng trên 1.800 tỷ đồng.
Ông Thắng cũng đề xuất sớm đầu tư dự án cải tạo, mở rộng tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 qua Côn Sơn – Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua cầu Đồng Việt; tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng…
Nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những thành quả Hải Dương đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội.
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng đề nghị tỉnh sớm sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, hệ thống trường nghề theo hướng đào tạo theo đặt hàng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh tình trạng cần cái gì mới đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Lao động mong tỉnh Hải Dương quan tâm, chăm lo hơn nữa đến lĩnh vực an sinh xã hội. Trong đó, cần quy hoạch lại 2 Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung vào một địa bàn.
Về vấn đề nhà ở, hộ nghèo, người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Hải Dương đang chịu thiệt thòi so với nhiều địa phương khác. Ông tán thành với các ý kiến đề xuất của địa phương liên quan đến các lĩnh vực Bộ phụ trách, đồng thời kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương hỗ trợ, giải quyết dứt điểm tình trạng nhà dột nát cho người nghèo, người có công.
Hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, giảm nghèo chưa bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đối với những người nghèo và không còn khả năng lao động để thoát nghèo, Hải Dương cần phân loại và đưa vào diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Các chính sách hỗ trợ sinh kế sẽ tập trung cho nhóm những người nghèo vẫn còn khả năng vươn lên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Hải Dương cần coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển. Nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích “Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý địa phương cần quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp.
Coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của sự phát triển. Muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải có con người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại.