Người lao động chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội
Với dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn để bàn về những nội dung cụ thể xây dựng dự án luật này. Một trong những nội dung được người dân quan tâm như mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề, mức đóng BHXH sao phải đảm bảo mức lương hưu đủ sống mới thu hút được người lao động.
Theo nữ đại biểu, thực tế hiện nay, tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của Việt Nam khá thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam cũng là một trong ít nước trên thế giới cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Chính vì vậy, nhiều người đang đóng dở dang, chưa hết lộ trình đã tính đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải tiền trước mắt. Thậm chí, có những người dân thấy thời gian đóng lâu quá, không chờ được lại rút ra. Điều này đã gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra điểm bất cập khác trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu khá dài – 20 năm.
“Rõ ràng, người lao động thấy đóng bảo hiểm xã hội thời gian quá dài, chờ đợi quá lâu mới được hưởng lương hưu nên chưa mặn mà” – bà Nga phân tích.
Theo đại biểu Quốc hội, đó là những vấn đề cơ bản phải xem xét, rà soát khi xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Để tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cần mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tất cả người lao động khu vực công hay ở doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh…
Việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần cũng được xem xét đưa vào dự án luật sửa đổi lần này. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án xin ý kiến, trong đó có phương án giữ nguyên như hiện tại và phương án cho rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% số tiền đóng vào.
“Đa số các ý kiến đều nghiêng về phương án thứ 2. Quy định theo hướng đó để buộc người lao động phải tính toán thiệt hơn khi quyết định. Như vậy sẽ hạn chế được người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần” – đại biểu Việt Nga nói.
Việc sửa đổi toàn diện, phát triển hệ thống bảo hiểm linh hoạt, đa dạng, hiện đại, theo đúng quan điểm xây dựng luật của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định là rất cần thiết. Việc sửa đổi lần này cần khắc phục những hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, tạo diện bao phủ lớn hơn, đẩy quy mô, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên.
Liên quan đến việc giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu, nữ đại biểu nhấn mạnh: “Cần tính toán số tiền đóng bảo hiểm tối thiểu là bao nhiêu bởi số năm đóng rút ngắn đi thì số tiền tối thiểu phải tăng lên mới đảm bảo người lao động có khoản lương hưu tạm đủ sống. Nếu đóng ở mức tối thiểu như hiện nay, sau 15 năm, số tiền quá ít ỏi, quỹ bảo hiểm xã hội không được cải thiện, chính sách an sinh không đạt được mục đích. Đây là vấn đề cần lưu ý”.
Phân hóa về mức hưởng lương hưu
Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng tâm huyết với chính sách xây dựng hệ thống an sinh đa tầng.
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra 9 chương, 133 điều. So với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, dự thảo luật này tăng 8 điều, sửa đổi một cách toàn diện.
“Về cơ bản chúng tôi thấy đồng tình vì dự luật đáp ứng được yêu cầu quán triệt tinh thần cải cách bảo hiểm xã hội ở Nghị quyết số 28 của Trung ương. Những nội dung sửa đổi này đã đề cập đến và đặt vấn đề giải quyết những bất cập, tồn tại của chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành; tạo ra được sự linh hoạt trong thực hiện, hưởng thụ chính sách” – ông Quảng phân tích.
Trong đó, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật tâm huyết nhất với chính sách xây dựng bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt bằng cách bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí. Bên cạnh đó, mở rộng người tham gia bảo hiểm bằng cách giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Ông Lê Đình Quảng mong muốn dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, các chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe, để giảm tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến việc nhiều người băn khoăn vấn đề giảm điều kiện hưởng lương hưu, tỉ lệ được hưởng có thấp, ông Quảng cho rằng, theo nhiều chuyên gia, tỉ lệ hưởng lương hưu (cao nhất 75%) là khá cao so với các quốc gia. Theo nguyên tắc đóng – hưởng, hiện có sự phân hóa rất lớn ở những người hưởng lương hưu hiện nay. Cho nên, dự thảo luật sửa đổi cần tăng cường tính chia sẻ để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ tháng 6/2023, được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023.