Kiên quyết thu hồi số tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định

Theo Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tìm được việc làm mới trong thời gian 3 ngày làm việc thì cần khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quy định là vậy nhưng nhiều lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm mới lại không khai báo dẫn tới không được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mà còn bị thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định.

Anh T.N.T (Sinh năm 1985, trú tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trước là công nhân tại Công ty Ban Mê (tỉnh Đak Lak). Đến tháng 5/2022, anh về quê để tìm việc làm mới.

Theo quy định, anh T đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, anh T được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp (từ tháng 5 đến tháng 10/2022) với số tiền 2,79 triệu đồng/tháng.

Khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tháng 9/2022, anh tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2022, anh T mới đến Trung tâm khai báo có việc làm mới. Việc anh T khai báo tình trạng vị trí việc làm mới chậm trễ dẫn đến không được bảo lưu 2 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp và bị thu hồi 1 tháng (tháng 9) do hưởng sai quy định.

Cũng như anh T.N.T,  chị P.T.T (Sinh năm 1987, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) xin nghỉ việc tại Công ty TNHH KMSVina (tỉnh Bình Dương) ngày 1/6/2022. Đến ngày 23/8/2022, chị T cầm quyết định nghỉ việc và sổ bảo hiểm xã hội gốc đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị T là 3 tháng (từ ngày 16/9 đến 15/12/2022) với mức hưởng 2.838.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, ngay sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, chị T quay lại công ty cũ làm việc (từ đầu tháng 9/2022) và không khai báo với Trung tâm về tình hình việc làm mới. Sau khi tìm hiểu, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phát hiện chị T tham gia bảo hiểm xã hội đợt đóng mới từ tháng 9/2022. Vì thế, Trung tâm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh dừng chi trợ cấp thất nghiệp cho chị T hai tháng còn lại.

Đến nay, chị T vẫn chưa đến Trung tâm để hoàn tất hồ sơ chấm dứt hưởng theo quy định. Chị T không những bị thu hồi 1 tháng mà còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc khai báo gian lận tình trạng việc làm đối với người lao động theo quy định.

Giải quyết hồ sơ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Giải quyết hồ sơ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp


Theo lãnh đạo Trung tâm việc làm tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây có xảy ra tình trạng, một số người lao động chưa nắm rõ quy định dẫn đến bị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu số tháng hưởng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà còn khiến cho người lao động gặp khó khăn khi không may bị mất việc làm, sẽ không được cộng vào số lần hưởng kế tiếp.

Theo Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tìm được việc làm mới trong thời gian 3 ngày làm việc thì cần khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quy định là vậy nhưng nhiều lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm mới lại không khai báo dẫn tới không được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mà còn bị thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định.

Đối với những trường hợp có biểu hiện trục lợi quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã tham mưu Sở Lao động Thương binh và Xã hội ban hành văn bản đề nghị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định của người lao động. Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp nơi người lao động có việc làm mới, nơi người lao động cư trú để họ hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định về cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là đối thoại trực tiếp với người lao động tại các khu công nghiệp, những doanh nghiệp sử dụng lao động số lượng nhiều và người lao động ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm chính sách Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hạn chế, ngăn chặn kịp thời tình trạng trục lợi quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, dạy nghề nâng cao năng lực chuyển đổi vị trí việc làm và có các biện pháp hạn chế sa thải người lao động ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kịp thời thông báo các trường hợp, đơn vị sử dụng lao động, người lao động có hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp để phối hợp xử lý theo quy định.