TP HCMHiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập người dân giảm mạnh, chưa nên tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở.
Đầu tháng 3, dự thảo nghị quyết lần 3 vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan cùng TP HCM xây dựng dự thảo thay thế Nghị quyết 54 – trình Chính phủ có điểm mới là bỏ đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất thứ hai trở lên vì lo ngại không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp.
Thay vào đó, dự thảo này đề xuất tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành; tăng thuế suất thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành. Mức tăng cụ thể sẽ do HĐND thành phố quyết định.
Ngày 4/3, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi UBND thành phố bản kiến nghị không đồng tình với đề xuất trên. Theo đó, HoREA đề nghị không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở; đồng thời không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP HCM vào thời điểm 2023-2024.
HoREA cho rằng hiện nay kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhìn chung đang bị sụt giảm mạnh, tăng thuế đất lúc này chưa thấu tình đạt lý, sẽ dồn thêm gánh nặng cho người dân.
Xét về thời điểm, đề xuất tăng thuế với hai trường hợp trên là khá vội vàng so với lộ trình dự kiến năm 2025 mà Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế.
Thị trường bất động sản dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trong các luật thuế sửa đổi có đề án về Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất và giao cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất hàng năm gắn liền với việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Đều này có nghĩa là giá đất trong bảng giá sắp tới sẽ cao hơn và không còn tình trạng giá đất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30-50% giá trên thị trường như hiện nay.
Mức thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở tính trên mức giá của bảng giá đất hiện nay là 0,03% đối với diện tích đất ở trong hạn mức; thuế suất 0,07% với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức; thuế suất 0,15% với phần diện tích đất ở vượt quá 3 lần hạn mức. Nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở theo phương án thí điểm sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của cá nhân và hộ gia đình tại TP HCM.
“Vội vàng thí điểm tăng thuế suất này cũng không hợp lý khi đi sớm hơn 2 năm so với các luật thuế, trong đó có dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét ban hành”, ông nói.
Ông Châu phân tích thêm, đề xuất thí điểm tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên với mức thuế suất tăng không quá 2 lần so với hiện hành cũng là khá cao. Nếu TP HCM thí điểm trước, người dân tại đây sẽ phải nộp thêm tiền thuế. Điều này đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng giữa các tỉnh thành.
Bản kiến nghị của HoREA đồng thời đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng Đề án Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản), trong đó có nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất chậm sử dụng hoặc không đưa vào sử dụng, nên đánh giá tác động đầy đủ, chính xác các đối tượng chịu thuế, nhất là với hộ gia đình, cá nhân.
Theo hiệp hội, việc đánh thuế không chỉ nhắm đến mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà cũng cần áp dụng phù hợp với đối tượng chịu thuế để bồi dưỡng nguồn thu, không tận thu, mới giúp điều tiết thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Trung Tín