“Du học sinh nghề tại Đức khi có nghề trong tay sẽ không bao giờ bị thất nghiệp, chỉ đi làm nơi lương, thưởng tốt. Nếu có thất nghiệp cũng chỉ do bạn tự nghĩ mà thôi” – Tiến sĩ y sinh Lê Đức Dũng, người tự thân lập nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức, người nhiều năm qua tâm huyết với việc tư vấn, hỗ trợ lớp trẻ đi sau khẳng định.
20 năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Dũng đứng trước lựa chọn tiếp tục học đại học hay du học. Những năm đầu của thế kỷ 21, tìm hiểu thông tin về du học khá khó khăn. Đất nước đầu tiên anh nghĩ tới sẽ đi du học là Đức bởi có người chú đang sinh sống, làm việc tại đó.
Chủ động tìm hiểu những thông tin về nền giáo dục nước này, anh Dũng chia sẻ, Đức là một trong những đất nước có chất lượng giáo dục đào tạo tốt nhất Châu Âu, có nền khoa học phát triển. Lợi thế khi du học tại đây là không mất học phí, từ tiểu học đến hết thạc sĩ, tiến sĩ.
Đó là lý do để cuối năm 2003, anh Dũng hạ quyết tâm sang Đức du học. Lên kế hoạch xong, cậu trai Nghệ An lặn lội ra Hà Nội học tiếng Đức. Khi mạng xã hội chưa bùng nổ, không dễ tiếp cận các thông tin du học, tìm hiểu đất nước, con người ở một đất nước xa xôi như vậy. Ngoài những giờ miệt mài học tiếng Đức, anh lặn lội tới Viện Goethe Hà Nội để tìm đọc sách báo, lấy thông tin.
Một năm sau, anh được một trường đại học tại Đức chấp nhận. Đặt chân đến đất nước hoàn toàn xa lạ, hành trang anh mang theo là vốn tiếng Đức hạn hẹp, mơ hồ về văn hóa, con người, môi trường sống tại đây nên phải mất rất nhiều thời gian tự học, để hòa nhập với phương thức học tập, với cộng đồng hoàn toàn khác biệt.
Anh Dũng nhớ lại: “Tiếng Đức không phải là ngôn ngữ dễ. Lúc mới sang đó, tôi thì dân Nghệ, nói mãi người xung quanh đều không hiểu, có thể là do hạn chế về phát âm. Cùng với đó, tôi còn chưa quen văn hóa, giờ giấc sinh hoạt bên này cũng không biết. Mãi sau đó, có người thân, bạn bè chỉ dẫn, tôi mới vỡ lẽ”.
Sau vài năm theo học ngành y ở Đức, anh Dũng liên tục nhận được những hỏi han của người thân về thông tin làm thủ tục, giấy tờ, xin học đại học, thạc sĩ bên này. Người đầu tiên tìm đến anh nhờ tư vấn chính là bà chị họ, hiện cũng đã làm việc và sinh sống ổn định tại Đức. Anh Dũng khái quát, những gì trực tiếp tai nghe mắt thấy, trải nghiệm khi du học, làm việc tại Đức đã hun đúc cho anh những kinh nghiệm, kĩ năng để phục vụ hoạt động tư vấn du học sau này.
Năm 2012, giữa Đức và Việt Nam hình thành những dự án đưa học sinh Việt sang nước bạn du học nghề điều dưỡng. Sau giai đoạn thử nghiệm dự án tương đối thành công, nước này đã mở cửa cho du học sinh Việt Nam sang vừa học nghề, vừa làm việc có lương.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của vị Tiến sĩ Việt y sinh như người đi trước mở đường dành cho các du học sinh, du học nghề tăng mạnh từ thời điểm năm 2015. Đến 2021, TS Lê Đức Dũng trở thành một trong những người sáng lập mạng lưới EUES Group – Làm việc và định cư châu Âu.
Công việc chính của anh là nghiên cứu khoa học về sức khỏe. Cậu thanh niên xứ Nghệ ngơ ngác đặt chân tới mảnh đất xa lạ năm xưa đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, như đạt giải thưởng về khoa học cơ bản tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 47 của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy của châu Âu (EBMT 2021).
Bên cạnh đó, anh vẫn dành tâm huyết với việc hỗ trợ thế hệ trẻ đi sau. Công việc của một người nghiên cứu khoa học và tư vấn, hỗ trợ du học sinh nghề tưởng chừng xa cách hóa ra lại hữu dụng, tương trợ cho nhau.
Anh Dũng thừa nhận: “Trong chừng mực nào đó, hai công việc của tôi có tương tác. Qua quá trình học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học, tôi hiểu được công việc trong bệnh viện, hệ thống vận hành của một cơ sở y tế tại Đức. Trải qua môi trường làm việc của công ty tư nhân, nhà nước, đại học, bệnh viện… cho tôi những kinh nghiệm quý báu về kĩ năng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Đó là những tích lũy thực tế để truyền đạt, hỗ trợ cho du học sinh sau này”.
Phong cách, phương thức làm việc tỉ mỉ, kỹ càng, khắt khe của người nghiên cứu khoa học khiến anh luôn đòi hỏi cao, nghiêm túc từ những người mình hướng dẫn, cũng là yếu tố thúc ép để từng du học sinh phải chủ động nỗ lực để đạt thành công tại Đức.
Tỉ mỉ từ xác định mục tiêu, công việc tới trang bị kỹ năng mềm, từ kỷ luật đúng giờ tới cách đi tàu điện, đi… toilet, anh Dũng khái quát, công việc của người hướng dẫn du học sinh nghề không khác gì chăm con mọn. Có những “cậu ấm” tuổi mười tám, đôi mươi vào lớp học online còn thấy đang nằm trên giường, cởi trần, hồn nhiên ăn uống… trước mặt thầy. Để nắn giũa những con người trẻ ấy cho khuôn vào môi trường lao động nổi tiếng kỷ luật như ở Đức là cả hành trình dài.
“Nhu cầu nhân lực của Đức với nhóm lao động có tay nghề rất lớn. Những học viên tốt nghiệp, ra nghề ra có thể “kiêu”, bởi đi làm ở đâu cũng được” – anh Dũng cười xòa.
Những năm đầu sau khi ký chương trình hợp tác với Việt Nam, Đức có nhu cầu lao động có tay nghề ở ngành điều dưỡng. Sau này thêm nhiều công việc nữa mở ra như làm đầu bếp, nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn lớn, lễ tân. Ngoài ra, hiện nhiều ngành nghề mới Đức tuyển học sinh sang học nghề như bán hàng, chế biến thực phẩm, vận hành siêu thị, dự án công nghệ thông tin thường ưu tiên lao động nữ…
Trong thời gian học nghề, sinh viên theo học ngành điều dưỡng có khoản thu nhập khá cao, khoảng 1.100 – 1.400 Euro/tháng (trước thuế). Một số ngành khác có mức lương thấp hơn như đi học nhà hàng, khách sạn, lương sẽ dao động từ 900-1.100 euro/tháng. Ngoài ra, sinh viên có thể được những hỗ trợ thêm về ăn uống, chỗ ở, sẽ giúp giảm chi phí.
Khi đã đào tạo nghề hoàn tất, sinh viên ra trường có mức thu nhập khá cao. Điều dưỡng mới ra trường có mức lương là 2.500 Euro (trước thuế), sau một thời gian có thể lên đến 3.500-3.800 Euro. Có những người làm lâu năm, tổng thu nhập mỗi tháng lên đến 6.000-7.000 Euro.
Trong khi đó, anh Dũng thông tin, chi phí 800-900 Euro/tháng là mức vừa đủ sống tại Đức. Dù chi tiêu mỗi người khó đong đếm chính xác, nhưng vị Tiến sĩ gốc Việt khẳng định, nếu chăm chỉ, người lao động không thiếu tiền, có tích lũy.
Không chỉ dừng lại ở mức thu nhập, vấn đề quan trọng khi làm việc tại Đức mà người lao động quan tâm là môi trường sống, làm việc, dịch vụ bảo hiểm y tế, chế độ phúc lợi… Người lao động định cư tại Đức sẽ được hưởng các chế độ an sinh xã hội thuận lợi.
Khái quát 20 năm ra nước ngoài học tập, làm việc, 15 năm gắn bó với hoạt động tư vấn, hỗ trợ du học sinh đến châu Âu, TS Lê Đức Dũng nhận định, có tới99,9% người lao động Việt Nam muốn định cư tại nước bản địa.
Ngay tại nước Đức, phía bạn cũng rất khuyến khích người lao động ở lại. “Nếu bạn chia sẻ sau khi học xong, làm việc theo thời hạn rồi về nước, không muốn ở lại, họ sẽ buồn bởi đã mất công đào tạo nhân sự nên rất muốn người lao động làm việc, gắn bó lâu dài”, anh Dũng cho hay.
Về việc học sinh đi học nghề, ở lại làm việc tại đất nước khác, TS Dũng đánh giá, gọi đó là hiện tượng “chảy máu chất xám” là nhận định phiến diện mà anh không quá quan tâm. Vị tiến sĩ y khoa phân tích, như qua Đức, người lao động được đào tạo nhiều ngành kỹ thuật, thành thợ lành nghề. Và không nhất thiết làm việc ở trong nước, hình thức cống hiến đầu tiên, thiết thực với đất nước, quê hương là làm giàu cho bản thân, làm gia đình mình thịnh vượng, cộng đồng xung quanh mình giàu có, cuộc sống đi lên. Lượng kiều hối mà những người lao động Việt ở nước ngoài gửi về trong nước, nhiều năm qua, đều là nguồn thu đáng kể, hàng chục tỷ USD/năm.
Không chỉ vậy, lao động Việt ở nước ngoài còn tạo ra những mối liên kết, mang lại nhiều đóng góp cho quê hương.
“Bản thân tôi đi học đại học, tiến sĩ, sau tiến sĩ, 20 năm ở châu Âu, tôi có rất nhiều mối quan hệ. Đợt về nước lần này, tôi đưa 2 đoàn giáo sư, bác sĩ chuyên về điều trị ung thư để làm việc Bộ y tế và nhiều bệnh viện khác, để giới thiệu những phương pháp, chương trình điều trị hiện đại nhất mà phía bạn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đào tạo bác sĩ, chuyển giao công nghệ. Đây là nguồn chất xám cực kì quý “chảy” vào Việt Nam đó chứ. Đây là lần thứ 2 và sẽ không phải lần cuối tôi thực hiện những hoạt động kết nối như này. Tôi tâm niệm đó cũng là một cách đóng góp của tôi cho đất nước mình sinh ra”, anh Dũng tâm niệm.
Vị tiến sĩ y khoa quả quyết, hầu hết người Việt Nam xa quê đều hướng về quê hương, tìm mọi cách hỗ trợ quê hương, bản quán của mình.
Nội dung: Thanh Xuân – Nguyễn Sơn
Ảnh: Nguyễn Sơn
Thiết kế: Đỗ Diệp
03/03/2023