Theo khoản 2 Điều 77 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này.
Luật này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022. Theo đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Thế nhưng, cho đến nay ở hầu hết các địa phương trên cả nước tình trạng xả rác chưa qua phân loại vẫn diễn ra phổ biến.
Khảo sát tại nhiều địa điểm công cộng ở TP. Hà Nội, những thùng rác sơn thành 3 màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế đã được lắp đặt rất văn minh, sạch đẹp. Tại các trường học, quy định này còn được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Nhưng khi quan sát kỹ vào mỗi thùng rác thì hầu như các loại rác đều bị bỏ một cách lẫn lộn, không đúng quy định.
Thùng phân loại rác tại nhiều trường học vẫn chưa được sử dụng đúng quy định
Em Thu Trang – Học sinh trường THCS Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Nhiều bạn vất cả vỏ chai, thức ăn lẫn lộn chung 1 thùng rác, cứ thùng nào chưa đầy thì vất vào. Có khi vì các bạn vội quá hoặc quên mất”.
Ở trường học, nơi các quy định về vệ sinh công cộng được giáo dục rất khắt khe còn xảy ra tình trạng này, thì việc người dân không phân loại rác trước khi đem bỏ lại càng phổ biến hơn nữa.
Chỉ cần dạo quanh các ngõ phố vào những buổi chiều, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các túi bóng nilong đựng chung tất cả các loại rác chất đống nơi góc đường, cột điện…
Một nhân viên thu gom rác trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Rác cứ chất đống ở vỉa hè như thế này không qua phân loại gì cả, chai lọ, giấy vệ sinh, thức ăn thừa là cứ đổ chung hết một túi. Không thu gom thì cũng không được. Mùa này còn đỡ, chứ mùa hè là bốc mùi ghê lắm”.
Còn nhiều người dân lại cho rằng gia đình mình đã đóng tiền thu gom rác, đóng tiền vệ sinh đầy đủ thì ‘không có lý gì mà không chịu thu gom’. Mặc dù, luật bảo vệ môi trường đã ban hành nhưng việc để người dân thực hiện vẫn cần có sự tuyên truyền cụ thể và những chế tài xử lý riêng.
Cần có kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn
Theo thống kê, mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 6.500-7.000 tấn rác được mang đi chôn lấp. Trong khi đó, nếu rác được phân loại tại nguồn đúng cách thì có thể tái sử dụng và tái chế thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, với thực trạng rác thải hiện nay thì việc tái sử dụng là bất khả thi.
Trước đây, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai tại Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả…), rác vô cơ (xương, sành sứ…), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Tuy nhiên đến năm 2009, khi dự án kết thúc, việc phân loại rác cũng bị dừng lại.
Tình trạng rác thải chưa qua phân loại trước khi thu gom vẫn diễn ra phổ biến
Cho đến nay, việc hình thành thói quen phân loại rác cho người dân vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều nơi dù đã có các thùng phân loại rác những người dân vẫn vất bừa bãi, không đúng quy định. Còn hầu hết tại các khu phố, ngõ hẻm đặc biệt là những địa bàn xa trung tâm thì tình trạng rác thải đổ đống, chưa qua phân loại, thậm chí là để tồn qua ngày, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo các chuyên gia, vấn nạn rác thải đã, đang và sẽ trở nên nghiêm trọng tại Hà Nội, nếu không sớm phân loại và xử lý rác thải một cách khoa học hơn.
Cuối năm 2022, TS Vũ Thị Kim Tuyến – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã chia sẻ với báo Lao Động: “Hiện nay, người dân dễ dàng phân loại được đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ. Do đó, việc tuyên truyền cho người dân về quy định không quá khó khăn mà điều quan trọng ở đây là khâu tổ chức thực hiện như thế nào? Nguyên nhân không thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn là do khâu tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa đến nơi đến chốn, từ phương pháp cho đến đầu tư”.
Có thể khẳng định, phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế… Hiệu quả mang lại là sẽ trực tiếp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác, đặc biệt sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác.
Bên cạnh đó, công tác phân loại rác ngay từ nguồn còn có thể tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác, từ đó đưa công tác xử lý rác đạt hiệu quả cao. Dưới góc độ phát triển, đây còn là việc làm thiết thực nhằm xây dựng đô thị văn minh, phát triển bền vững. Vì thế, Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung cần có kế hoạch nghiên cứu triển khai sớm việc phân loại rác thải tại nguồn với những bước đi, cách làm hợp lý để đạt hiệu quả lâu bền.