Giải pháp thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

Giải pháp thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 1.

Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản – thực phẩm” diễn ra trực tuyến lẫn trực tiếp, ở TP.HCM và Hà Nội. Trong hình: Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp tham gia diễn đàn tại Hà Nội – Ảnh: C.T.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản – thực phẩm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức sáng 28-2, lãnh đạo bộ đã cập nhật các chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản – thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều kinh nghiệm, bài học từ các đơn vị chuyển đổi thành công cũng được chia sẻ và thảo luận để học tập.

Nhiều khó khăn trong số hóa

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Nam – đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp – cho biết hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được cài đặt và vận hành chính thức tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống truy xuất đã có sự tham gia của hơn 3.964 doanh nghiệp với 16.987 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên ông Nam cho biết việc phát triển, chuyển đổi số hệ thống truy xuất còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị,… để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, cập nhật các thông tin vào hệ thống còn bất cập.

Bên cạnh đó, việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải đầu tư kinh phí rất lớn. Chưa hết, còn nhiều khó khăn như hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước…

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Từ những khó khăn trên, ông Nam kiến nghị hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung tương tự như mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu và sớm ban hành bộ tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng… phục vụ việc kết nối, tích hợp vào cổng truy xuất nguồn gốc của bộ.

Giải pháp thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh 3.

Một sản phẩm nông sản khi đăng ký truy xuất nguồn gốc cần theo dõi từ lúc ở trang trại cho tới khi đến tay người tiêu dùng – Ảnh: N.H.N.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực – chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri – cho rằng cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được.

Bên cạnh đó, bà Thực cũng khuyến khích những hộ nông dân nhỏ lẻ thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác và các mô hình hợp tác xã để liên kết, hợp tác với nhau.

Theo bà Thực, việc số hóa và chuyển đổi số không nhất thiết hộ nào cũng phải có điện thoại. Một người có thể sử dụng điện thoại và cập nhật cho hàng nghìn hộ.

Còn ông Mai Quang Vinh, chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, bày tỏ mong muốn thời gian tới có thể phát triển mạnh một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm.

Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Đưa nông sản OCOP lên mạng xã hội TikTokĐưa nông sản OCOP lên mạng xã hội TikTok

TikTok Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).