TTCT – Một tổ công tác xã hội đã đến “ở” cùng người dân sắp di dời dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm (phường 11, quận 6) để tư vấn cách tăng thu nhập, tiết kiệm tiền, chi tiêu tiền bồi thường, góp ý thiết kế nhà tái định cư, tạo công ăn việc làm.
Cũng là những hộ dân nghèo ven kênh nhưng người dân tái định cư tại chung cư Lò Gốm (phường 11, quận 6) đã an cư gần 20 năm, chỉ dọn đi khi có nhà đẹp hơn.
Hành lang rộng rãi ở chung cư Lò Gốm
Chiều nhá nhem tối, năm sáu người phụ nữ ngồi trên những chiếc ghế nhựa thấp quanh cái bàn nhỏ ở hành lang trước cửa căn hộ của bà Nguyễn Ngọc Tỷ (lô B chung cư Lò Gốm) rôm rả nói chuyện. Người kể về những chuyện gặp ở chỗ làm, người kể về chuyện hàng xóm, cô bán vé số đi qua bán mấy tờ vé số, thông báo bạn của một người trong chung cư mới trúng giải đặc biệt hơn chục vé…
Toàn cảnh chung cư Lò Gốm (quận 6). Ảnh: NGUYÊN KHANG
Họ là hàng xóm của nhau từ hơn 20 năm trước, khi còn cùng ở những căn nhà tạm bợ ven kênh Tân Hóa đến nay. Khi dọn về tái định cư ở chung cư Lò Gốm, họ vẫn giữ thói quen bắc cái bàn nhỏ ra trước nhà, cùng chuyện trò sau ngày lao động, chỉ khác là không gian trò chuyện đã đổi từ lề đường lên hành lang chung cư rộng rãi thoáng mát. Qua gần 20 năm, người mất người còn nhưng cái tình của xóm ven kênh không hề nhạt đi.
Bà Tỷ kể hồi còn ở nhà ven kênh Lò Gốm, chồng bà bị bệnh nằm một chỗ, các con còn nhỏ, một mình bà gồng gánh. Căn nhà cũ ven kênh ọp ẹp, mỗi đợt triều cường cả nhà lại bì bõm lội từ trong bếp ra đến ngoài đường, nước dơ tràn vô nhà làm hư hỏng đồ đạc, ngứa ngáy lở loét da chân. Tiền kiếm được không đủ mua gạo ăn hằng ngày nên việc phải di dời, mua nhà mới là một cơn ác mộng đối với gia đình bà Tỷ.
Khi di dời, bà Tỷ được tư vấn dùng toàn bộ tiền bồi thường để trả tiền mua căn hộ chung cư tái định cư. “Gia đình tôi được bồi thường gần 120 triệu đồng, mua căn hộ chung cư còn nợ lại gần 50 triệu trả góp trong 10 năm. Tôi và các con gom dần, vài năm mới trả cho Nhà nước được hai, ba chục triệu đồng, trả đến năm thứ 9 thì hết cả gốc lẫn lãi. Giờ các con đã lớn đi làm, có gia đình riêng vẫn ở đây, sức khỏe tôi yếu nên ở nhà lo cơm nước. Căn hộ chung cư sạch sẽ, thoáng mát, không cơ cực như nhà cũ ven kênh”, bà Tỷ cho biết.
Thiết kế nhà theo ý kiến của dân
Bà Tỷ là một trong 72 hộ dân được tái định cư tại chung cư Lò Gốm trong khuôn khổ dự án 415 (dự án thí điểm cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa – Lò Gốm) thực hiện trong vùng dân cư khoảng 200 hộ được Chính phủ Bỉ tài trợ không hoàn lại.
TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết – nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ – kể nhóm nghiên cứu xã hội học của chị đã “ở” với người dân của dự án suốt quá trình di dời để tìm hiểu về đời sống, thu nhập, nghề nghiệp, hoàn cảnh… của từng gia đình.
Người dân được hướng dẫn từ việc tạo quỹ tín dụng, cho vay luân phiên để lấy vốn làm ăn tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiết kiệm tiền để sắm sửa cho nhà mới, trả góp tiền mua nhà đến việc góp ý, lựa chọn mô hình tái định cư, chọn căn hộ tái định cư vừa túi tiền. 200 hộ dân này được bố trí tái định cư ở hai nơi: chung cư Lò Gốm (với 72 căn hộ) và một số hộ được tái định cư bằng nền đất tại P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân).
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm (đoạn qua quận 6) trước đây. Ảnh: TỰ TRUNG
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm (đoạn qua quận 6) hiện nay. Ảnh: NGUYÊN KHANG
Ở chung cư Lò Gốm, các kiến trúc sư đã nghe góp ý và mong muốn của các hộ dân để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với đời sống của họ. Người dân muốn căn hộ phải thoáng mát để hạn chế sử dụng máy lạnh, quạt, giúp tiết kiệm tiền điện, hành lang chung cư cần rộng để họ có thể đem hàng thủ công về làm. Các căn hộ cần có trần cao hơn để có thể làm thêm gác xép tăng diện tích sử dụng.
Cũng từ góp ý của người dân, tầng trệt chung cư có khu sân trống để những hộ buôn bán hủ tiếu, mì gõ, chạy xe ba gác, bán rau dạo có chỗ để xe vào ban đêm.
Ở tầng 1, các block của chung cư có lối đi thông nhau để hàng xóm tiện qua lại, cầu thang và đường nối ở chung cư cần rộng, sân chung cư và lối đi ở tầng trệt thoáng mát… Giá cả và cách xây dựng căn hộ tái định cư cũng được cân đong đo đếm cho phù hợp túi tiền của đa số người dân nghèo trong dự án.
Dự án còn dành đất xây một chợ nhỏ cạnh chung cư, sạp chợ được phân cho các hộ dân buôn bán nhỏ không được tái định cư ở tầng trệt.
Sau gần 20 năm tái định cư, chung cư 72 căn hộ vẫn còn hơn 60 hộ dân tái định cư sinh sống, nhiều gia đình xác nhận đời sống ổn định hơn trước. Họ hài lòng về môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
Tuy nhiên, chính người dân và nhóm nghiên cứu xã hội học đồng hành cũng thừa nhận việc tạo công ăn việc làm cho người dân không thành công. Ở chung cư này, những người làm nghề thủ công dần dần bỏ nghề vì không gian quá chật chội và ảnh hưởng nhiều đến những hộ lân cận, ngôi chợ của dự án ế ẩm nên không tạo được nguồn thu nhập cho những hộ dân buôn bán, khiến họ phải ra ngoài kiếm việc làm.
Hỗ trợ từ khi chuẩn bị di dời
Bài toán tái định cư không dễ tìm lời giải thỏa đáng cho mọi trường hợp, nhất là cộng đồng người dân sống ven kênh. Trước hết, số tiền bồi thường cho nhóm dân cư này thường rất thấp vì nhà tạm bợ, đất ven kênh không có giấy chủ quyền. Khi tái định cư, ngoài tiền mua căn hộ, họ phải đóng các loại phí ở chung cư hằng tháng. Người tái định cư có khi còn bị mất nguồn thu nhập hoặc thu nhập giảm đi, chi phí đi lại tăng do chuyển đến nơi ở mới.
Dự án thí điểm cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm tại P.11, Q.6 đã đưa ra nhóm giải pháp toàn diện về vấn đề này trên cơ sở khảo sát kinh tế – xã hội các hộ gia đình bị ảnh hưởng để biết được khả năng chi trả, mức thu nhập của các hộ gia đình.
Nhóm giải pháp bao gồm: xây dựng chung cư thấp tầng giá rẻ phù hợp khả năng chi trả của các nhóm hộ gia đình, giá bán các căn tái định cư bằng chi phí đầu tư thực tế, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí xây dựng hạ tầng, Nhà nước bù thêm tiền cho các hộ dân để họ đủ tiền trả 30% giá trị căn hộ, 70% số tiền còn lại được trả góp trong vòng 15-20 năm.
Trước khi di dời dân, nhóm điều tra xã hội học đã giúp người dân xây dựng quỹ tiết kiệm – tín dụng tự quản cộng đồng để tạo điều kiện cho họ vay vốn làm ăn, cải thiện thu nhập. Khi tái định cư, các hộ dân đăng ký loại căn hộ theo khả năng chi trả của từng gia đình.
Để thực hiện được những việc trên, trước khi tổ chức di dời, cần thực hiện khảo sát kinh tế – xã hội độc lập đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Mục tiêu chính là nắm được hiện trạng thu nhập, nhân khẩu, việc làm, việc học, nguyện vọng của các hộ dân đối với việc bồi thường và nhà ở tái định cư, việc làm sau khi di dời.
Quan trọng nhất là chuyển hóa được các dữ liệu thu thập được từ khảo sát thành các giải pháp kỹ thuật (nhà ở, hạ tầng, trường học, chợ…), tài chính (đền bù, giá nhà, tạo việc làm), tổ chức (họp dân, lấy ý kiến dân về các giải pháp…) và đưa ra các chính sách phù hợp. Việc khảo sát kinh tế – xã hội cần tiến hành đầu tiên, kết hợp với thông tin đầy đủ cho dân về dự án cũng như vị trí các khu tái định cư dự kiến.
Bà Lê Diệu Ánh (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án 415)