Nỗ lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Biên phòng – Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền thành phố (TP) Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, qua đó, giúp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.


Bà Trần Kim Yến tặng phương tiện sinh kế cho người nghèo tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chăm lo toàn diện

Vừa qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều hình thức hỗ trợ trong chính sách giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò giống từ chương trình trao tặng sinh kế do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Văn Năm (tổ 7, ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi) cho biết, việc được cung cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đã giúp gia đình ông yên tâm phát triển sản xuất, từng bước tạo nguồn thu cho gia đình để không còn đói nghèo.

Tương tự, chị Lê Thị Minh, ngụ ở quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết, gia đình thuộc hộ khó khăn nên vừa qua được chính quyền hỗ trợ tặng một chiếc xe bán nước mía. Chiếc xe bán nước mía này có ý nghĩa rất lớn giúp gia đình tăng thu nhập mỗi ngày. Đặc biệt, từ khi có xe bán nước mía, gia đình chị Minh có thêm đồng ra đồng vào để lo cho hai con ăn học. Trước kia, mỗi tháng trông vào tiền lương làm bảo vệ của chồng chị chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, nên không đủ chi tiêu cho cả gia đình. Từ ngày có xe nước mía, thu nhập trong gia đình chị cũng tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chị Minh dần đi vào ổn định.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, để chăm lo toàn diện cho người nghèo, trong năm qua, các hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí xây nhà, tặng phương tiện sinh kế, tặng thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… để người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; các con em học sinh, sinh viên hộ nghèo có thêm động lực, ra sức học tập trở thành những công dân tốt, thành đạt, giúp ích cho xã hội.

Cụ thể, trong tháng cao điểm “Vì người nghèo”, từ ngày 17/10 đến ngày 18/11/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ – Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” TP Hồ Chí Minh đã vận động quỹ đạt 40 tỷ đồng. Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của TP phấn đấu vận động trên 125 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, quỹ sẽ tiếp tục chăm lo các nhu cầu còn thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương giảm nghèo đa chiều của TP giai đoạn 2021-2025.

Theo thống kê, trong năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của TP đã tiếp nhận được hơn 191 tỷ đồng, từ đó, đã xây dựng 62 căn nhà và sửa chữa 217 căn nhà Tình thương; trao tặng 5.941 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ; tặng hơn 150 phương tiện đi học, 167 phương tiện sinh kế, cùng hàng trăm ngàn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí chăm lo hơn 132 tỷ đồng. Các kết quả này đã góp phần thiết thực vào thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP.

Phấn đấu giảm nghèo bền vững

Hiện nay, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP. Kế hoạch nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.


Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, các đơn vị, ban, ngành TP Hồ Chí Minh đã tặng các phương tiện sinh kế cho người nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Đặc biệt, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, chuẩn nghèo TP nhằm tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của hộ nghèo, cận nghèo; bảo đảm giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, cùng với việc tập trung thực hiện các kế hoạch hành động phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội tồn đọng sau đại dịch, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương cũng được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, với những biện pháp hiệu quả và đột phá. TP cũng đã phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực tạo nên kết quả thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, yếu kém còn tồn tại, vướng mắc, đề ra những biện pháp hiệu quả, quyết liệt trong thời gian tới. Để làm được như vậy, toàn hệ thống chính trị TP phải tiếp tục xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, luôn nỗ lực hành động.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn đạt hiệu quả, sắp tới, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cần thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, kế hoạch giảm nghèo bền vững, bổ sung các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ cận nghèo, đó là vốn, nghề nghiệp, việc làm, bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của TP. Các tổ chức toàn hệ thống phải khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Điều này đòi hỏi sự tận tâm, tận tụy của hệ thống chính trị, của những người có trách nhiệm với xã hội, nhất là ở cơ sở; đồng thời cần cổ vũ, động viên, tiếp thêm nghị lực cho người nghèo vượt khó, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, tôn vinh những gương sáng trong đời sống xã hội.

“Giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm, nhân nghĩa, đạo lý mang tính nhân văn của con người Việt Nam. Do vậy, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng; toàn hệ thống chính trị của TP cần phát huy tối đa, mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan được xây dựng. Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị, đoàn thể cần tổ chức lồng ghép có hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới, chương trình nhà ở. Phải chăm lo bộ máy, chăm lo cán bộ làm công tác có liên quan đến giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hoạt động thi đua phải vì người nghèo, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo”. ông Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Nguyễn Hoàng