Giá nhà đất có giảm, nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Nếu cộng thêm yếu tố lãi suất vay ngân hàng cao và tình trang lệch pha cung – cầu, thì nhiều người có nhu cầu ở thực vẫn khó mua được nhà đất trong thời điểm hiện nay.
Giá đất nhiều khu vực vùng ven Đà Nẵng đã giảm. Ảnh: Lưu Bang
Đã giảm, nhưng vẫn còn cao
Không riêng gì các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, nhiều người dân có nhu cầu ở thực đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương vùng ven thành phố này vẫn khó mua được nhà đất, mặc dù giá nhà đất đã giảm.
Mới đây, một đơn vị nghiên cứu thị trường đã công bố Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, phân khúc đất nền đón nhận 22 dự án với nguồn cung khoảng 2,648 nền, tăng 59% so với năm 2021. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,499 nền, xấp xỉ 57% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 32% so với năm trước.
Sức cầu chung toàn thị trường không có sự bứt phá so với năm 2021 và có xu hướng giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022 do những khó khăn chung của thị trường.
Đồng thời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng có sự sụt giảm, trung bình mặt bằng giá thứ cấp giảm khoảng 4-10% so với năm 2021, cục bộ đối với những khách hàng gặp áp lực lãi vay ngân hàng mức giảm ghi nhận lên đến 21%.
Anh V., một công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cho biết mặc dù giá nhà đất tại địa bàn đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức khá cao khiến anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác khó có thể mua được nhà đất.
Không riêng gì anh V., nhiều người dân sinh sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng có nhận định như vậy.
Nhiều người trong số họ cho biết, giá đất tại các dự án khu dân cư, khu đô thị được đầu tư đồng bộ về hạ tầng vẫn ở mức khá cao. Thời gian gần đây, họ theo dõi rất sát tình hình thị trường nhà đất tại địa bàn, đặc biệt là tại những khu vực vùng ven.
Đơn cử như tại một số tuyến đường bê tông trên địa bàn huyện Hòa Vang thời điểm đầu năm 2022 có giá rao bán khoảng 1 tỉ đồng trên một lô đất diện tích khoảng hơn 100 m2, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 700-800 triệu đồng/lô.
Chị M. cho biết đã tích góp được số tiền khoảng 300 triệu đồng. Nếu muốn mua được một lô đất có giá như trên thì chị phải vay ngân hàng số tiền từ 400 đến 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì hiện nay lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang ở mức khá cao nên chị không dám mạo hiểm đi vay tiền để mua nhà đất.
Giá nhà đang vượt xa thu nhập của người dân. Ảnh: Lưu Bang
Giá nhà vượt xa thu nhập
Báo cáo hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Riêng về giá bất động sản, nhìn chung trong năm 2022, giá bán được điều chỉnh về giá trị thực. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế khoản vay tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn khiến những người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận khoản vay.
Trong khi đó, cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, mặc dù đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu nhưng giá bán vẫn ở mức cao.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, giá bất động sản đặc biệt là nhà ở và đất nền liên tục tăng trong quý 1 và quý 2, chững lại ở quý 3 và quý 4 có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý 2.
Ngoài ra, căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 chiếm 37% thị trường và căn hộ trung cấp có giá khoảng từ 25-50 triệu đồng/m2 chiếm 15% thị trường. Trong khi đó, căn hộ bình dân, giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không có.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại hội nghị, cho rằng thị trường BĐS hiện nay có hiện tượng bất thường. Bởi kinh tế vĩ mô rất tốt, nhưng thị trường BĐS lại gần như “đóng băng” và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Ông Lực cho biết thêm, hiện nay, giá BĐS đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)….
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao…
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản, trong đó có thực trạng cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp.
Bên cạnh đó là giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người.