Còn nhiều việc phải làm…
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, hôm nay, 12/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.
“Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nền văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước. Trong đó, Thủ đô Hà Nội, hạt nhân phát triển vùng, là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của cả nước…”, Thủ tướng phân tích.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm, tập trung đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, nhờ đó vùng có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu chuyển dịch tương đối nhanh; thu ngân sách tăng nhanh; kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt nhất cả nước; thu hút FDI tăng khá nhanh; các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đã phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Vùng. Theo đó, kinh tế – xã hội Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số ngành nhất định.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu. Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh một số điểm sáng như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung. Tỉ lệ lao động nông nghiệp thiếu việc làm còn lớn; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn bất cập; ô nhiễm môi trường còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Phát triển văn hóa – xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng y tế cơ sở còn hạn chế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan và lưu ý: “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Vai trò dẫn dắt…
Nhắc lại Nghị quyết 30-NQ/TW, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò “dẫn dắt” của vùng Đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30- NQ/TW của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng.
Thủ tướng nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong Vùng chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp, với cách tiếp cận tổng thể, cách làm, tư duy mới, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước Vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Theo đó, các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển; tập trung phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý và sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó phải giữ vững đoàn kết….
Gần 10 tỷ USD cam kết hỗ trợ và đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Hồng
Tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT đã cùng các đối tác phát triển, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam, đã ký Biên bản ghi nhớ, Biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.
Các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ hơn 2,6 tỷ USD với 20 dự án để phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tại Hội nghị, 30 dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).