Du học sinh Việt ngậm đắng nuốt cay khi làm thêm chui

Đi gia hạn visa, Đặng Dũng, sinh viên Đại học Kinh tế Nhật Bản tại Tokyo, chết lặng khi nghe thông báo không đủ điều kiện để ở lại.

Chàng sinh viên 24 tuổi từ Phú Thọ sang Nhật hồi tháng 2/2021 để học tiếng, rồi theo học Đại học Kinh tế Nhật Bản. Ngoài giờ học, Dũng làm phục vụ trong một nhà hàng ở Tokyo với lương hơn một 1.000 yen mỗi giờ (178.000 đồng). Nếu làm thêm đúng số giờ quy định 28 tiếng mỗi tuần, anh có thể nhận lương khoảng đến 150.000 yen, tương đương 27 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, trước đây, gia đình phải vay tiền cho Dũng đi học nên anh muốn làm nhiều hơn để gửi về đỡ đần bố mẹ. Qua một người quen, Dũng nhận thêm việc bốc vác và đóng gói tại một công ty hoa quả, làm 20 tiếng mỗi tuần với lương khoảng 25-30 triệu đồng mỗi tháng. Dũng được chủ trả lương bằng tiền mặt và hứa không báo với cơ quan thuế.

Khi hết hạn visa năm thứ nhất, Dũng đã giấu nhẹm việc này trong bản kê khai thông tin và nghĩ “không ai biết”. Tháng 1/2023, nam sinh được thông báo phải rời Nhật Bản vì làm thêm quá số giờ quy định. Dũng khăn gói bay về Việt Nam nhưng vẫn ở nhờ nhà một người bạn, chưa dám về quê vì sợ bố mẹ sốc.

“Mình không ngờ cánh cửa tiền đồ lại bị đóng sập khi tiền nợ vẫn chưa trả hết”, Dũng nói.

Tại Hàn Quốc, Lê Hùng, 20 tuổi, sinh viên ở thành phố Busan, làm thêm ở một xưởng làm bông test Covid không có giấy phép hoạt động từ đầu năm 2020. Theo thỏa thuận, Hùng nhận khoảng 26 triệu đồng mỗi tháng, không có hợp đồng lao động.

Vì xưởng ở một vùng núi hẻo lánh, Hùng và những người làm thuê khác thường tập hợp ở một điểm, rồi được đưa tới nơi làm việc bằng xe ôtô. Một hôm, nhóm nhân công vừa lên xe thì cảnh sát ập tới kiểm tra giấy tờ. Hùng phải nộp phạt khoảng 40 triệu đồng và không được xin giấy phép làm thêm trong một năm.

Tháng 3/2021, Hùng được đăng ký đi làm thêm trở lại, rồi làm ở một nhà máy chế biến nông sản tại tỉnh Gyeonggi. Tại đây, Hùng bị bắt lần hai vì làm tới 40 tiếng, trong khi quy định chỉ cho phép sinh viên quốc tế bậc đại học làm thêm 20 tiếng mỗi tuần. Vi phạm của Hùng bị báo về trường đại học, tuy nhiên trường không bảo lãnh vì nam sinh thường xuyên bỏ học, điểm trung bình năm chưa đạt 2.0/4.0. Hùng sau đó bị trục xuất về nước.

Những du học sinh Việt Nam ở Nhật hoặc Hàn làm thêm quá quy định, làm việc ở nơi thiếu giấy tờ hoặc cơ sở không phép, đang đối mặt nhiều rủi ro, thậm chí bị trục xuất. Họ không có cơ hội đạt mục tiêu chính khi ra đi – học tập và nghề nghiệp ở nước bạn.

Du học sinh Việt tại Nhật Bản được đại diện công ty trực tiếp đến trường phỏng vấn tuyển dụng. Ảnh: KMH

Du học sinh Việt tại Nhật Bản trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng. Ảnh: Kim Mạnh Hiệp

Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có số du học sinh Việt theo học rất lớn. Có khoảng 38.600 du học sinh Việt ở Nhật năm 2022, theo Viện Giáo dục quốc tế IIE. Con số này ở Hàn Quốc là gần 60.000, theo Korean Herald dẫn số liệu Cục Di trú nước này.

Chi phí du học đại học tự túc ở Hàn Quốc khoảng 244-370 triệu đồng mỗi năm; ở Nhật khoảng 370 triệu, theo tính toán của THE và Jasso (tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản). Tất cả gồm học phí, tiền thuê nhà và sinh hoạt phí.

Trang thông tin Study in Japan cập nhật hồi tháng 1/2019 cho biết 75% du học sinh tự túc tại Nhật Bản sống bằng việc làm thêm, phổ biến là làm việc tại các nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, phiên dịch, dạy ngôn ngữ. Trong đó, trên 50% có thu nhập quanh mức 178.000 đồng mỗi giờ, như mức Dũng nhận.

Còn tại Hàn Quốc, một nữ du học sinh cho biết sinh viên Việt thường đi làm thêm ở Seoul và các vùng lân cận, trong các quán ăn, quán gà rán, quán phở. Mức lương tối thiểu hiện ở mức 9.620 won (khoảng 180.000 đồng) một giờ.

Áp lực tài chính hoặc đơn giản hơn là mong muốn kiếm tiền khiến nhiều du học sinh Việt làm thêm quá giờ quy định hoặc đi làm tại các cơ sở không có giấy phép, không có hợp đồng lao động.

Anh Kim Mạnh Hiệp, giáo viên trường Nhật ngữ Midream, Nhật Bản, cho biết một số công ty nước này thường tìm lao động thời vụ 1-3 tháng, không có hợp đồng lao động kèm lời hứa không báo với cơ quan thuế nhưng thực ra, cuối năm họ vẫn khai báo để được giảm thuế.

“Khá nhiều trường hợp đến khi đi gia hạn visa mới biết mình đã làm quá thời gian cho phép và không đủ điều kiện ở lại Nhật, lúc này hối hận đã muộn”, anh Hiệp chia sẻ.

Ở Hàn Quốc, nếu làm chui, du học sinh thường bị ép nhận mức lương thấp hơn 20-30% quy định, nhiều người thậm chí bị quỵt lương. Chị Kiều Chinh, 32 tuổi, tư vấn viên tại công ty luật Law Win của Hàn Quốc, nói đã gặp không ít trường hợp này. “Có bạn làm thêm ở quán ăn nhanh, bị chủ nợ một tháng lương khoảng 700.000 won (13,4 triệu đồng) nhưng chỉ được trả 300.000 won”, chị kể.

Ngoài ra, du học sinh Việt còn đối mặt với rủi ro về sức khỏe và tinh thần, chẳng hạn nếu gặp tai nạn lao động, bệnh viện không dám nhận vì thiếu giấy tờ.

“Trong vai trò Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật, tôi đã nhiều lần bảo lãnh hoặc phiên dịch cho bác sĩ Nhật Bản về các trường hợp du học sinh bị tai nạn lao động nặng, không bệnh viện nào tiếp nhận”, sư cô Thích Tâm Trí tại chùa Nisshinkutsu, chia sẻ với VnExpress sáng 13/2.

Chị Kiều Chinh kể từng tham gia tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho một số trường hợp nữ sinh Việt bị quấy rối tình dục khi đi làm thêm chui. Những vụ việc này khiến nạn nhân hoảng sợ và mệt mỏi kéo dài.

Thích Tâm Trí, một nhà sư Việt Nam tại chùa Nisshinkutsu, đặt bia tang cho các thực tập sinh kỹ năng và sinh viên từ Việt Nam qua đời tại Nhật Bản tại đài tưởng niệm ở Minato, Tokyo, Nhật Bản,  hồi tháng 6/2019. Ảnh: Ari Hirayama

Thích Tâm Trí, một nhà sư Việt Nam tại chùa Nisshinkutsu, đặt bia tang cho các thực tập sinh và sinh viên từ Việt Nam qua đời tại Nhật Bản tại đài tưởng niệm ở Minato, Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Ari Hirayama/ Asahi Shimbun

Mặt tích cực của đi làm thêm giúp du học sinh có thêm thu nhập để trang trải học phí và sinh hoạt phí, lại có thêm trải nghiệm. Chị Chinh khuyên sinh viên chọn lựa công việc thật kỹ, tránh làm ở công trường xây dựng, quán karaoke vì đây là những việc du học sinh không được phép làm thêm ở Hàn Quốc. Ngoài ra, hiện một số sinh viên bị lợi dụng để làm các mắt xích trong các đường dây lừa đảo chuyển tiền quốc tế, hay bị chủ lao động sử dụng thông tin cá nhân để khai báo với cơ quan thuế dù số ngày làm thêm ngắn.

Để giảm bớt rủi ro, du học sinh cần làm đúng các thủ tục theo quy định để vừa yên tâm làm thêm, vừa được pháp luật bảo vệ. “Khi bạn đầy đủ thủ tục thì ít nhất chủ sử dụng lao động cũng nể bạn hơn”, chị Chinh nói.

Anh Kim Mạnh Hiệp khuyên du học sinh không nên “tham bát bỏ mâm” vì làm quá giờ có thể kiếm thêm tiền nhưng lại không đủ thời gian, sức khỏe dành cho việc học, chưa kể còn bị trục xuất.

Theo anh Hiệp, các du học sinh, ngoài đăng ký mã số cá nhân, cần làm các thủ tục để được cấp phép làm thêm khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Khi tìm việc, sinh viên nên đến bộ phận hỗ trợ của trường hoặc các thầy cô, anh chị có kinh nghiệm để nắm chắc quy định và được tư vấn. Đây là cơ sở để các em được đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tránh những tình huống rắc rối về pháp lý.

Với những sinh viên chịu sức ép về kinh tế, anh Hiệp cho rằng nên tìm sự hỗ trợ của gia đình, kiên nhẫn và tập trung học tập. Thu nhập sau khi tốt nghiệp của một sinh viên quốc tế tại Nhật hiện khoảng 400-600 triệu đồng một năm.

“Một năm đi làm bằng ba năm đi học, dư trả nợ”, anh Hiệp nói.

Lệ Thu

* Tên một số nhân vật đã thay đổi