KHỞI NGHIỆP TỪ TÀI NGUYÊN CỦA LÀNG
Tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, Thái Đăng Tiến (ngụ xã Châu Khê, H.Con Cuông, Nghệ An) sang Đài Loan xuất khẩu lao động. 2 năm làm việc ở xứ người, Tiến nhận thấy đây không phải là con đường lâu dài, bền vững nên quyết định quay về quê nghĩ cách làm kinh tế. Con Cuông là vùng núi, xưa gọi là Trà Lân, đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm với bạt ngàn tre. Thế nhưng, cây tre vẫn chưa thành cây kinh tế chủ lực vì người dân địa phương chỉ khai thác măng và dùng tre để làm nhà.
“Tại sao không biến tre thành sản phẩm có giá trị cao để tạo thu nhập ổn định?”, Tiến nghĩ rồi khăn gói mò mẫm đi tìm, học hỏi cách làm đồ mỹ nghệ từ tre.
Thái Đăng Tiến và sản phẩm chế tác từ tre
Có được hiểu biết về đồ mỹ nghệ, năm 2018, Tiến vay mượn thêm vốn, mở xưởng sản xuất ngay trên mảnh đất của gia đình, đầu tư hệ thống máy móc và thuê, đào tạo nhân công. Tre nứa rất dễ bị mối mọt, cong vênh và nứt nẻ nên Tiến phải chọn loại tre có độ già nhất định và mất nhiều thời gian, tiền bạc để tìm ra kỹ thuật xử lý tre.
Các sản phẩm từ tre như: bình trà, cốc chén, hộp bút, khay nước, hộp tăm… lần lượt ra đời và được đưa ra thị trường. Tiến còn thuê máy đào gốc, rễ tre để chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Giá thành của các sản phẩm từ gốc tre dao động từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng, tùy vào hình thể, độ tinh xảo, công sức chế tác của thợ.
Họ là những người kém may mắn, tạo cho họ một việc làm để mưu sinh, giúp họ vui hơn, có thu nhập để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình khiến mình cũng vui lây. Đó cũng là động lực để mình luôn phải nỗ lực hơn nhằm ngày càng có doanh thu cao hơn để thu nhập của anh em cũng tốt hơn.
Thái Đăng Tiến
“Ưu điểm của sản phẩm từ tre là thân thiện môi trường, có giá trị sử dụng cao, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, giá rẻ trên địa bàn. Làm các sản phẩm từ tre, mình cũng muốn mọi người biết đến cây tre của miền Trà Lân “trúc chẻ tro bay” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, góp phần quảng bá hình ảnh, lịch sử quê hương”, Tiến bày tỏ.
Sản phẩm của xưởng hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài sản phẩm mỹ nghệ, Tiến cũng đang hướng đến xuất khẩu loại tre sặt, trúc để làm giàn leo sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Anh đã trồng hơn 4 ha giống tre này tại xã Châu Khê để xuất sang các nước châu Âu và Israel.
NHỮNG NGƯỜI THỢ CHỐNG NẠNG
Hiện xưởng tre của Tiến tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động, mùa cao điểm cần khoảng 15 lao động ở địa phương, trong đó có nhiều thanh niên khuyết tật. “Anh em bị khuyết tật rất thiệt thòi vì khó tìm được việc làm, mình muốn tạo điều kiện cho các bạn ấy đến làm vì công việc này không đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ cần chịu khó và khéo tay”, Tiến nói.
La Văn Thắng (31 tuổi, ngụ xã Châu Khê, H.Con Cuông) là người dân tộc Đan Lai, nhà ở sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Cách đây ít năm, Thắng bị tai nạn giao thông, phải cưa chân, không thể lao động nặng nhọc được nữa. Được Tiến hỗ trợ, Thắng rời bản ra xưởng làm công nhân từ 3 năm qua.
Ban đầu chưa hề biết đến việc cầm cưa cầm đục, nhưng nay bàn tay đã trở nên rất khéo léo và Thắng đã thành một người thợ lành nghề ở xưởng. “Được về đây làm việc, được ghi nhận, mình đã vượt qua mặc cảm, tự ti”, Thắng tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, Lô Văn Vinh (30 tuổi, ngụ xã Châu Khê, H.Con Cuông) bị tai nạn lao động, không thể lao động nặng được nữa. Được Tiến động viên, tạo điều kiện, Vinh đến xưởng học nghề rồi ở lại xưởng làm thợ.
Xưởng tre mỹ nghệ này hiện có 6 công nhân thì có 3 người bị tàn tật, được trả với mức lương 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. “Họ là những người kém may mắn, tạo cho họ một việc làm để mưu sinh, giúp họ vui hơn, có thu nhập để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình khiến mình cũng vui lây. Đó cũng là động lực để mình luôn phải nỗ lực hơn nhằm ngày càng có doanh thu cao hơn để thu nhập của anh em cũng tốt hơn”, Tiến nói.