Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới trên không gian mạng

Biên phòng – Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện một nhóm đối tượng lừa đảo với thủ đoạn hoàn toàn mới. Đối tượng chúng nhắm đến là các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Không ít người do cả tin đã mắc bẫy và bị lừa số tiền lên đến cả chục triệu đồng.


Chị L.T.N đến trình báo sự việc với Công an huyện Sốp Cộp. Ảnh: Minh Phong

Khoảng 14 giờ, ngày 24/12/2022, chị L.T.N, sinh năm 1985, là chủ một nhà hàng trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông giới thiệu tên là Là Đức Khôi, là học viên thực tập tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hẹn đặt 150 suất cơm cho đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ Hà Nội đến huyện Sốp Cộp vào tối ngày 25/12. Đối tượng chủ động kết bạn Zalo với chị N để trao đổi, thống nhất việc đặt cơm. Hắn đã chủ động chuyển khoản cho chị N 1 triệu đồng tiền đặt cọc.

Đến khoảng 14 giờ, ngày 25/12, đối tượng nhắn tin cho chị N nói, đoàn công tác đang đến Mộc Châu và nhờ chị mua giúp 1.500 hộp patê, kim chi. Hắn chủ động cho chị N số điện thoại để chị N liên hệ đặt mua giúp. Chị N đã liên hệ theo số điện thoại mà người đàn ông tên Khôi cung cấp thì được một Zalo có tên “West food chuyên cung cấp hàng hóa nhập khẩu” chủ động kết bạn với chị N trao đổi việc mua patê, kim chi, yêu cầu chị N đặt cọc tiền.

Chị N nói lại với người đàn ông tên Khôi thì hắn bảo, chị trả tiền patê, kim chi trước, khi nào đoàn đến nhà hàng chị ăn cơm thì sẽ cộng vào tiền cơm trả cho chị. Do tin tưởng nên chị N đã chuyển khoản cho người bán patê, kim chi số tiền 46.200.000 đồng. Sau khi nhận được tiền thì người đàn ông đặt cơm và Zalo “West food chuyên cung cấp hàng hóa nhập khẩu” xóa kết bạn với chị.

Tương tự thủ đoạn như trên, một đối tượng cũng gọi điện cho chị Lò Thị Đoàn, chủ nhà hàng Tâm Đoàn ở phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La giới thiệu là cán bộ hậu cần của một đơn vị Quân đội ở tỉnh Ninh Bình, đặt 100 suất cơm cho đoàn công tác từ Ninh Bình đến thành phố Sơn La vào tối ngày 25/12. Đến khoảng 14 giờ, ngày 25/12, đối tượng gọi cho chị Đoàn nói, đoàn công tác đã đến Mộc Châu, nhờ chị Đoàn mua giúp 35 hộp patê cá hồi, 35 hộp patê gan ngỗng và 5 chai rượu vang đỏ, tổng trị giá 16.475.000 đồng.

Sau đó, người đàn ông này cho chị Đoàn số điện thoại để liên hệ mua patê và rượu vang, nhờ chị trả tiền trước, khi nào đến ăn cơm sẽ thanh toán cùng tiền cơm. Do nghi ngờ nên chị Đoàn yêu cầu người này chuyển khoản cho chị trước, thì lập tức chị bị xóa kết bạn và không liên lạc được với người đàn ông đặt cơm nữa. May mắn là chị Lò Thị Đoàn không bị mất tiền và chưa chuẩn bị thực phẩm để nấu 100 suất cơm như đối tượng đã đặt.

Qua tìm hiểu, với cùng một thủ đoạn, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bị các đối tượng lừa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng và nấu ra hàng trăm suất cơm mà khách không đến ăn, phải nhờ bạn bè, người thân “giải cứu”.

Đây là lời cảnh tỉnh đối với các nhà hàng, quán ăn khi nhận lời đặt cơm và mua giúp đồ ăn nhanh thông qua liên hệ bằng điện thoại, Zalo, Facebook. Mọi người dân cần nâng cao cảnh giác để không trở thành món hời béo bở của bọn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%; còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân. Mục tiêu cuối cùng của tội phạm đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.

Cũng trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh.

Minh Phong