Tốt nghiệp ngành xây dựng, năm 2013, Nguyễn Bá Thắng (ngụ xã Nhân Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An) được tuyển vào làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng. Đi làm công trình ở nhiều địa phương trong nước, đặc biệt khi đến Tây Ninh, chàng trai này thấy đặc sản bánh tráng ở đây đã xuất khẩu nhiều nước, liền nghĩ đến đặc sản bánh đa vừng của quê mình.
“Bánh đa vừng Đô Lương từ lâu đã nổi tiếng vì ngon, được nhiều người biết, nhưng chỉ loay hoay được tiêu thụ trong tỉnh, sản xuất vẫn chỉ là cách thủ công truyền thống, nhỏ lẻ, nên mình nghĩ tại sao không làm lớn để đưa bánh đa quê mình vươn ra các tỉnh, thành và xuất khẩu ra thế giới?”, chàng trai 32 tuổi này nói.
Nguyễn Bá Thắng và sản phẩm bánh đa vừng
Năm 2018, Thắng xin nghỉ việc để về quê tự khởi nghiệp với nghề sản xuất bánh đa vừng. Ý tưởng này khiến nhiều người thân buồn lòng vì Thắng được học hành, có nghề nghiệp ổn định lại bỏ việc, về quê làm cái nghề “không học cũng làm được”, vất vả nhưng thu nhập lại bấp bênh. Tuy nhiên, chàng trai này đã nhanh chóng thuyết phục được người thân bằng mô hình sản xuất bánh đa truyền thống dựa trên công nghệ máy móc hiện đại.
Đồng hành với ý tưởng khởi nghiệp này là Nguyễn Ngọc Phương, bạn học cùng lớp thời trung học với Thắng. Cũng là kỹ sư xây dựng, ra trường, Phương đã có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, khi được Thắng rủ nghỉ việc để về quê làm bánh đa xuất khẩu, Phương liền đồng ý.
Hai chàng trai này thuê khu đất gần nhà Thắng ở xã Nhân Sơn, H.Đô Lương để mở xưởng làm bánh đa. Để thành cơ sở sản xuất chuyên nghiệp, cả hai chung vốn đầu tư mua máy xay bột, máy tráng bánh, lò nướng bánh bằng điện. Công đoạn phơi bánh vẫn dùng cách phơi nắng truyền thống. Tuy nhiên, cách này cũng nhiều bất tiện vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Để khắc phục thực tế này, hai chàng trai đã quyết định đầu tư lắp hệ thống sấy khô. Hệ thống này đã tạo thành dây chuyền khép kín, hoàn chỉnh từ khâu ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, sấy khô, nướng bánh cho đến đóng bao với mức đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Để có chất lượng bánh đa ngon, ngoài bí quyết truyền thống, hai chàng trai này đã mày mò thử nghiệm nhiều lần để tìm ra công thức làm bánh thơm ngon, an toàn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Sau hơn 3 năm ra lò, hiện nay, bánh đa vừng thương hiệu Lương Sơn đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang các nước Lào, Nhật Bản, Úc.
Xưởng bánh còn tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương, doanh thu hơn 14 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài bánh đa vừng bằng gạo thông thường, hai chàng trai 9X này đã tạo ra sản phẩm bánh đa vừng bằng gạo lứt. Loại bánh này tuy giá thành cao hơn gạo thường nhưng chất lượng ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng.
Năm 2022, hai chàng trai này đã xuất sang Nhật Bản 1 triệu chiếc bánh đa vừng, giá trị 2,2 tỉ đồng, được phân phối ở các siêu thị, đại lý ở Nhật. Bánh đa vừng có được chỗ đứng ở thị trường “khó tính” như Nhật Bản đã giúp cho hai chàng trai này tự tin mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ xuất sang Hàn Quốc và các nước châu Âu, đồng thời hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để xuất thẳng sang các nước mà không cần thông qua một đối tác trung gian”, Nguyễn Ngọc Phương cho hay.