Báo cáo về năng suất lao động (NSLĐ) giai đoạn 2011 – 2020 của Tổng cục Thống kế vừa công bố cho thấy năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).
Năng suất lao động theo giờ của Việt Nam thấp xa so với nhiều nước
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%, tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước như Malaysia (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); Indonesia (2,6%/năm); Philippines (3,5%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.
Mỗi giờ làm việc một người Việt Nam tạo ra bao nhiêu tiền?
Nếu tính NSLĐ trên một giờ làm việc theo sức mua tương đương (PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 8,99% mức năng suất của Singapore; 9,13% mức năng suất của Brunei; 23,21% của Malaysia; 40,31% của Thái Lan; 49,31% của Indonesia; 57,35% của Philippines; 99,51% của Lào…
Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% NSLĐ của Philippines.
NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp
Tính theo số tuyệt đối, NSLĐ (PPP 2017) của Singapore cao hơn Việt Nam tăng từ 130.400 USD năm 2011 lên 144.100 USD năm 2020. Tương tự, NSLĐ của Hàn Quốc cao hơn từ 58.800 USD lên 61.800 USD; Trung Quốc từ 6.100 USD lên 12.100 USD; Ấn Độ từ 1.300 USD lên 1.800 USD. Tổng cục Thống kê nhận định: khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn.
Kết quả Điều tra lao động việc làm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ năm 2020. Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 mới chỉ đạt 29.000 đồng, đến năm 2016 đạt 45.700 đồng; năm 2017 đạt 52.100 đồng; năm 2018 đạt 55.500 đồng; năm 2019 đạt 63.700 đồng.
Năm 2020, năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc theo giá hiện hành đạt 67.600 đồng, cao hơn 3.800 đồng so với năm 2019 và gấp 2,3 lần năm 2011.
XEM NHANH 12H ngày 5:2: Nhìn lại vụ án Nguyễn Phương Hằng | Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc
Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN, bằng 32,1% quy mô GDP của Indonesia và bằng 83,6% của Thái Lan; gấp 1,2 lần Philippines và Malaysia; gấp 1,9 lần Singapore; gấp 3,8 lần Myanmar; gấp 14,4 lần Campuchia; gấp 17,7 lần Lào và gấp 37 lần Brunei.
Tổng cục Thống kê