Năm 2019, Phạm Ngọc Dung (34 tuổi, ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trở về quê sau nhiều năm đi làm ăn xa. Khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Dung dày công tìm hiểu về nuôi lươn không bùn.
Từ đó, anh nhận thấy đây là loại vật nuôi mang lại lợi nhuận kinh tế cao và phù hợp với quy mô hộ gia đình nên đã quyết định đầu tư 5 bể lót bạt xung quanh, mỗi bể diện tích 5m2 để nuôi lươn tại nhà.
Trại nuôi lươn không bùn của anh Dung (Ảnh: Đặng Hoài).
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, lươn anh nuôi bị nhiễm bệnh và chết nhiều. Không bỏ cuộc, anh Dung tìm tòi, học hỏi qua Internet và đúc rút kinh nghiệm từ nhiều lần thất bại.
Anh áp dụng hình thức nuôi luân phiên cuốn chiếu nên lượng lươn thương phẩm đủ để xuất bán quanh năm, thông thường các bể cách nhau từ 1-2 tháng.
Năm 2023, sau khi mở rộng trại lươn, anh Dung kết hợp khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi trồng. Toàn bộ hệ thống điện của trại đều được kết nối với thiết bị di động và tự động ngắt khi không sử dụng.
Anh Dung chăm sóc vật nuôi (Ảnh: Đặng Hoài).
Ngoài ra, anh còn xây dựng hệ thống tự động tuần hoàn gồm bơm nước lên bồn chứa, đưa nước vào từng bể và xả thải ra hồ nhân tạo.
Theo anh Dung, đối với lươn, môi trường nước đặc biệt quan trọng nên anh luôn chú tâm vào khâu này.
“Hiện, lươn vẫn chưa có thuốc đặc trị nên lỡ mắc bệnh phải bỏ cả bể. Để phòng bệnh hiệu quả, nguồn nước nuôi lươn phải sạch, được thay thường xuyên. Ngoài ra, tôi cũng cho đàn lươn ăn một số chế phẩm sinh học hỗ trợ đường tiêu hóa để con vật ít bệnh hơn”, anh Dung chia sẻ.
Đến nay, mô hình của anh đã mở rộng diện tích lên đến 500m2 với 45 bể gỗ, nhựa composite. Trung bình, anh thả mỗi bể 3.000 con lươn giống, thu về lươn thương phẩm đạt khoảng 6 tạ/bể.
Hiện, mỗi kg lươn thương phẩm đạt 2-4 con, bán ra với giá 120.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn đầu tư bán lươn giống với giá 3.000-4.000 đồng/con.
Xuất bán hàng chục tấn lươn mỗi năm, anh Dung thu lãi 700-800 triệu đồng (Ảnh: Đặng Hoài).
“Lươn là loài vật rất dễ chăm sóc, tốn ít công sức, thời gian. Mỗi ngày, tôi chỉ mất 2 tiếng cả buổi sáng, buổi tối để thay nước và cho lươn ăn. Tuy nhiên, mỗi lứa lươn cũng mất 1 năm mới đạt chuẩn xuất bán.
Lươn thương phẩm có giá trị cao. Tôi thường xuất bán cả trong và ngoài tỉnh nên thu nhập khá ổn định”, anh Dung nói.
Mỗi năm, gia đình anh xuất bán tổng cộng 20 tấn lươn thịt, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Trừ đi chi phí sản xuất, anh Dung có lãi 700-800 triệu đồng.
Ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, đánh giá mô hình nuôi lươn của anh Dung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Anh Dung còn đầu tư hệ thống lắng lọc hiệu quả nên chưa ghi nhận xảy ra ô nhiễm tại khu vực chăn nuôi. Với cách thực hiện sáng tạo, anh Dung còn đóng góp cho phong trào phát triển nông thôn mới của xã nhà”, ông Hải nói.
Đặng Hoài