Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn giới thiệu việc làm, XKLĐ và các chính sách hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: Bảo Nguyên
Sau nhiều năm đi làm thuê ở miền Nam, tiền lương của anh Nguyễn Văn Công ở thôn Thượng, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thuộc diện bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Trở về quê, anh đã quyết định vay vốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản với mức lương 25-30 triệu đồng/tháng.
3 năm làm việc trở về, có vốn tích góp, anh Công mở cửa hàng sửa chữa đồ điện, cuộc sống của gia đình từ hộ nghèo trở nên khá giả. Không chỉ gia đình anh Công thoát nghèo, ở thôn Thượng còn có gần 20 người đi XKLĐ, mang lại nguồn thu lớn giúp các gia đình xóa đói, giảm nghèo, đời sống nâng cao.
Xác định XKLĐ là kênh giải quyết việc việc hiệu quả cho người dân, Liên đoàn Lao động huyện Tam Dương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận với các đơn vị có uy tín, bảo đảm có việc làm ổn định, tiền lương thỏa đáng và an toàn.
Đặc biệt, với vai trò “bà đỡ” hỗ trợ về vốn cho người nghèo, cận nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Dương đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đi XKLĐ.
Điển hình như xã Hoàng Đan có 11 người mới được xét duyệt vay vốn đi XKLĐ với số tiền 100 triệu đồng/người. Đến nay, toàn huyện Tam Dương có hơn 1.000 người đang lao động có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Từ nguồn tiền của người thân đi XKLĐ gửi về, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà ở, mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ để duy trì thu nhập. Từ đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,73%.
Tại Bình Xuyên, ngay từ đầu năm, Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và các xã thị trấn rà soát số lượng lao động thiếu việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề và XKLĐ để tư vấn, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm. Dự kiến trong năm 2024, địa phương này sẽ có khoảng 100 người được vay vốn ưu đãi để XKLĐ, nâng cao thu nhập.
Tương tự, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Sông Lô đã giải quyết việc làm mới cho 2.140 lao động, trong đó có 140 người đi XKLĐ. Còn tại huyện Yên Lạc, ngân hàng chính sách đã xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho gần 80 người vay vốn để giải quyết việc làm, XKLĐ mang lại thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu đưa 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác XKLĐ; thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin của các đơn vị dịch vụ việc làm, doanh nghiệp được giới thiệu, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, sau khi hết hạn hợp đồng về nước, nhiều lao động được giới thiệu làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại hội nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các địa phương, sở, ngành liên quan và các hội, đoàn thể đã ký cam kết thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2024 gắn với các chỉ tiêu vay vốn tín dụng, XKLĐ, giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.