Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Biên phòng – Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực.


Ảnh: minh họa

Trên diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn, đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước phát triển khi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26,4%. Đáng lo ngại là tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, đến tháng 3/2023, cả nước có 51,4 triệu người tham gia thị trường lao động. Nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô và sự phát triển trong tương lai.

Nếu nhìn vào con số trên 70% lao động Việt Nam qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau thì chất lượng lao động của Việt Nam không phải quá thấp. Nhưng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các nước trên thế giới chủ yếu đánh giá chất lượng lao động qua tiêu chí lao động được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp nên chất lượng lao động Việt Nam bị đánh giá thấp so với các nước đang phát triển khi chỉ đạt 26,4% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Rõ ràng, điểm trừ trong thị trường lao động của Việt Nam là cơ cấu lao động không cân đối, đặc biệt là thiếu lao động có trình độ và kỹ năng cao. Đây cũng là “điểm nghẽn” trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch và kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương.

Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, thiếu gắn kết với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; cơ cấu nghề đào tạo theo các ngành, nghề còn bất cập…

Các chuyên gia cho rằng, trọng tâm công tác của ngành lao động trong thời gian tới là đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động để tiến hành đào tạo sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường liên kết, kết hợp cũng như nhận đặt hàng nhân lực từ các doanh nghiệp. Như vậy khi học viên, sinh viên được đào tạo ra mới có việc làm.

Đối với vấn đề đào tạo lao động tại khu vực nông thôn cần đổi mới đào tạo nghề ở nông thôn theo phương châm mới: “Chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, bố trí được công việc cao hơn, mang lại thu nhập cao hơn, tránh gặp đâu đào tạo đó, không có địa chỉ”, để tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở khu vực này có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề. Phương châm đào tạo nguồn nhân lực này phải được phản ánh cụ thể trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Mặt khác, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương cần tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực…; sáp nhập lại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc “3 trong 1”, “2 trong 1” và một trường cao đẳng ở địa phương có thể đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau.

Hoàng Lâm