Hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 03/6/2023, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã diễn ra Chương trình khởi động chặng 11 “Những bước chân vì cộng đồng” xây dựng Nhà văn hoá cộng đồng dân tộc Pu Péo tỉnh Hà Giang.
Chương trình được khởi động đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên cả nước hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023.
Ban tổ chức cho biết, chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” đã triển khai được 10 chặng với hơn 100 ngàn lượt vận động viên tham gia, đóng góp 10 tỷ đồng cho quỹ xây dựng Nhà cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người, gồm: Chứt, Lự, La Ha, Lô Lô, Pà Thẻn, Mảng và Cờ Lao… Cổng đăng ký tham gia giải chạy tại website: www.sacombankrunnersclub.com đã mở và ghi nhận đóng góp của vận động viên từ ngày 03/6 đến 25/6/2023. Chương trình không giới hạn đối tượng tham dự và không quy định cự ly đăng ký, các vận động viên có thể đi hoặc chạy bộ, chỉ cần tốc độ trung bình đạt từ 4 phút/km đến 20 phút/km.
Khởi động chương trình Những bước chân vì cộng đồng chặng 11 tại Hòa Bình. (Ảnh: ĐH)
Dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng 2 công trình trường đẹp cho em trị giá 400 triệu (200 triệu/điểm); 03 nhà hạnh phúc trị giá 240 triệu đồng (80 triệu/ngôi nhà); 40 suất quà tiền mặt trị giá 1triệu/suất cho 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 20 em học sinh; trao biển nhận đỡ đầu 1 em đến năm 18 tuổi với mức hỗ trợ 500 ngàn/tháng; 01 phòng máy tính trị giá 80 triệu đồng cho người dân tỉnh Hoà Bình với tổng giá trị hơn 810 triệu đồng.
Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” được triển khai trên quy mô toàn quốc, nhằm đẩy mạnh phong trào “10.000 bước mỗi ngày”, tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, thanh niên về việc rèn luyện sức khỏe, vận động thanh niên tự giác tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể chất. Đồng thời phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của các cấp bộ Hội và hội viên, thanh niên cả nước trong chăm lo, đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của 16 dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam (những dân tộc có số dân dưới 10.000 người).
Đây là hoạt động thiết thực với mục đích tạo lập không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống.
Và Ngôi nhà hạnh phúc cho trẻ em mồ côi
“Ngôi nhà hạnh phúc” là Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát động, nhằm huy động nguồn lực ủng hộ từ xã hội để giúp đỡ xây dựng nhà ở cho học sinh mồ côi, đặc biệt là người DTTS tại các địa bàn khó khăn.
Nhà Y Thin cách thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông – Kon Tum) hơn chục cây số, nằm cheo leo lưng chừng núi. Y Thin năm nay mới 9 tuổi. Từ khi em 1 tuổi, bố Y Thin bệnh nặng qua đời, sau đó mẹ em cũng mất. Em và chị ruột được chị gái của mẹ là bà Y Nút đón về nuôi. Sống chủ yếu dựa vào làm nông, hoàn cảnh gia đình bà Y Nút vốn khó khăn lại càng thêm khó khi phải gồng gánh nuôi thêm 2 chị em Y Thin. Bởi vậy, Y Thái – chị ruột của Y Thin, sau khi học xong lớp 9, đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình.
Theo thời gian, những đứa trẻ ngày càng lớn dần, ngôi nhà nhỏ của bà Y Nút cũng trở nên chật chội hơn. Mọi người phải sinh hoạt cùng nhau trong không gian nhỏ hẹp. Việc ăn ngủ, học tập của Y Thin và những đứa trẻ khác đều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, căn nhà tranh vách nứa mà bố mẹ Y Thin để lại thì đã quá xập xệ, xuống cấp không thể sử dụng được nữa.
Tại lễ khởi công xây dựng ngôi nhà, không giấu nổi niềm vui, em Y Thin rơm rớm: Điều này thực sự như một giấc mơ. Em không thể ngờ căn nhà mà chúng em chỉ dám tưởng tượng lại sắp trở thành hiện thực. Có căn nhà mới, gia đình em sẽ không còn chịu cảnh chật chội nữa. Em sẽ có góc học tập cho riêng mình. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để sau này có việc làm, có điều kiện giúp đỡ được những hoàn cảnh giống như mình.
Lễ khởi công Ngôi nhà hạnh phúc cho trẻ em mồ côi tại chặng 11. (Ảnh: ĐH)
Y Ngọc Ánh năm nay mới 7 tuổi, mồ côi cha, hiện đang học tại Trường Tiểu học xã Mường Hoong. Gia đình em thuộc diện rất khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào vài thửa ruộng. Mẹ Ánh gắng lắm cũng chỉ đủ nuôi 2 anh em ăn học trong hoàn cảnh thiếu thốn. Hiện tại, cả gia đình đang ở trong căn nhà vách ván, mái lợp tôn được bà con giúp đỡ xây dựng từ năm 2015. Tuy nhiên trải qua những trận lũ quét và mưa bão đã xuống cấp nặng nề, gần như không thể sử dụng được nữa, có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Với nguồn thu nhập ít ỏi, việc sửa lại căn nhà dường như là điều không thể với gia đình em, chứ chưa nói tới chuyện làm căn nhà mới. Niềm vui lớn đã đến với gia đình Ánh trong những ngày cuối năm 2022, khi các cấp bộ đoàn hỗ trợ kinh phí để xây dựng một căn nhà mới.
Dù còn bé nhưng Y Ngọc Ánh đã rất hiểu chuyện. Biết gia đình mình khó khăn, em luôn cố gắng học tập và giúp đỡ mẹ các công việc nhà. “Cả hai anh em thương mẹ lắm! Từ ngày bố mất, mẹ luôn phải làm việc quá sức. Ba mẹ con chỉ mong có ngôi nhà nhỏ, đủ vững chãi để không phải chạy đôn đáo mỗi khi mưa to, gió lớn. Nay được trao ngôi nhà mới này, em rất biết ơn các anh, chị, cô, chú. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng tất cả mọi người” – Y Ngọc Ánh cảm động.
Sáng 25/4, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” cho hai cháu bé sinh đôi, mồ côi cả bố lẫn mẹ tại thôn Lũng Lừ A (xã Lũng Pù, H.Mèo Vạc, Hà Giang). Theo lãnh đạo xã Lũng Pù, cháu Giáng Mí Sính (9 tuổi) và em gái sinh đôi Giàng Thị Dở mồ côi bố mẹ từ sớm, gia đình thuộc hộ nghèo và hàng tháng vẫn được hưởng chế độ. Sau khi bố mẹ mất, hai cháu sang ở cùng chú ruột trong căn nhà cũ chật hẹp. Sính và Dở đang theo học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Lũng Pù. Ngoài giờ lên lớp, các cháu vẫn phụ chú làm việc nhà, làm nương, là những học sinh vượt khó vươn lên của trường.
Nhằm chia sẻ với các học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Hà Giang tổ chức xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” để hai cháu có nơi ở, ổn định cuộc sống. Trên đây, chỉ là một số học sinh mồ côi được nhận Ngôi nhà Hạnh phúc suốt hành trình 11 chặng “Những bước chân cộng động” từ năm 2020 đến nay.
Chị Đỗ Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung ương Hội LHTN Việt Nam chia sẻ: “Ngôi nhà hạnh phúc” được xuất phát từ sự yêu thương, đùm bọc của cộng đồng. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của các đơn vị đồng hành là sự ủng hộ về nhân công của các tổ chức đoàn, hội, sự quan tâm của chính quyền địa phương để giúp các em có một mái nhà, đầm ấm, hạnh phúc. Tất cả điều đó chính là sự quan tâm, chia sẻ để các em có động lực, niềm vui, cố gắng trong học tập và cuộc sống.
Em Đỗ Thị Phương Thảo, hội viên Hội LHTN Việt Nam huyện Hớn Quản – Bình Phước hào hứng cho biết: Em cảm thấy rất vui khi được tham gia chương trình “ Những bước chân vì cộng đồng”, Bởi em có cơ hội góp phần nhỏ bé vào xây dựng nhà cộng đồng cho các dân tộc thiểu số, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với em. Bên cạnh đó giúp em và nhiều bạn trẻ khác vận động thể thao, nâng cao sức khỏe góp phần nâng cao sức khỏe chung của cộng đồng. “Những bước chân vì cộng đồng” là hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe và xây dựng môi trường sống lành mạnh, cũng là cơ hội để đoàn viên, thanh niên Bình Phước phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong các hoạt động an sinh xã hội, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các em thiếu nhi, nhân dân tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
“Những bước chân vì cộng đồng” là chương trình đi bộ/chạy bộ nhằm gây quỹ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được khởi động dự kiến từ năm 2020- 2024. Năm 2023, Chương trình sẽ được triển khai 5 chặng từ chặng 9 đến chặng 13. Với mỗi km đi bộ, chạy bộ của Hội viên, thanh niên, người dân, Sacombank sẽ đóng góp 1.000 đồng vào quỹ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Dự kiến, từ năm 2020 đến năm 2024, chương trình sẽ triển khai 16 nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số ít người, mỗi nhà văn hóa trị giá 1 tỷ đồng. Đây là hoạt động cụ thể hóa phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của T.Ư Đoàn…