Lao động ‘phập phù’ ca kíp vì cắt điện

Giờ làm việc của Hải Đăng, khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh chuyển từ luân phiên sang bất kể ca ngày hay đêm – phụ thuộc vào việc cắt điện.

Lê Hải Đăng, 30 tuổi, là kỹ thuật viên của một công ty chuyên sản xuất vỏ điện thoại di động. Anh vừa phải hủy chuyến dã ngoại cuối tuần với nhóm bạn để đi làm bù cho ngày nghỉ đầu tuần vì mất điện. Lịch làm việc của Đăng chuyển từ cố định trong tuần sang “ngày làm, ngày nghỉ” từ hôm 5/6 khi công ty bị cắt điện từ sáng sớm đến hết buổi chiều.

Hai ngày qua, anh lại chuyển từ ca ngày sang làm ban đêm vì công ty phải huy động sản xuất cho kịp đơn hàng. Làm việc trái giờ sinh học khiến nam thanh niên luôn ngủ gục trên xe đưa đón nhân viên của công ty từ Bắc Ninh về Hà Nội.

“Làm giờ nào, ngày nào là chờ nhân sự thông báo trước nửa buổi hoặc tối hôm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào điện”, Đăng kể. Để sẵn sàng vào ca, anh mang luôn vài bộ quần áo đến công ty nếu phải ở lại làm việc. Tám năm đi làm, lần đầu tiên Đăng được nghỉ liên tục vì mất điện nhưng anh chưa biết có được tính lương ngày nghỉ hay sẽ cắt vào nghỉ phép.

Xưởng sản xuất của một công ty ở KCN Đại Đồng (Bắc Ninh) tối om 3 - 5 phút trước giờ chuyển đổi nguồn từ điện lưới sang dùng máy phát. Ảnh: Phong Linh

Xưởng sản xuất của một công ty ở KCN Đại Đồng (Bắc Ninh) tối om 3 – 5 phút trước giờ chuyển đổi nguồn từ điện lưới sang dùng máy phát. Ảnh: Phong Linh

“Những ngày này có được vào ca hay không chỉ có ngành điện mới biết”, chị Nguyễn Thị Thu, công nhân khu công nghiệp Yên Phong, nói. Ngày đầu tuần, nhà máy bị cắt điện khi bộ phận sản xuất chuẩn bị làm việc. Chờ hơn hai tiếng không có điện trở lại, quản đốc đành cho công nhân ra về. Với chị Thu, được nghỉ còn khổ sở hơn đi làm do không thể ngủ trong phòng trọ 15 m2 lợp mái tôn và bị “hun” suốt ngày dưới nắng nóng 40 độ C.

Hơn 10 khu công nghiệp ở Bắc Ninh với gần nửa triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang trải qua mùa hè khó khăn vì thiếu điện sản xuất. Hôm 3/6, họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng thiếu điện, mất điện đột ngột khiến sản xuất bị lỗi, thiệt hại nặng.

Đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất vỏ điện thoại tại khu công nghiệp Yên Phong cho hay sự cố mất điện ngày 1/6 làm máy móc dừng đột ngột, toàn bộ sản phẩm gặp lỗi. Một ngày sau, doanh nghiệp vẫn cho công nhân đi làm vì không nhận được thông báo nào từ điện lực, nhưng đến giữa buổi, điện mất, toàn bộ phân xưởng phải ra về.

Doanh nghiệp khác ở khu công nghiệp Quế Võ cho hay việc mất điện đột ngột dễ khiến máy móc, linh kiện đắt tiền hỏng hóc, sản phẩm bị lỗi. Hàng nghìn công nhân sẽ phải thay đổi lịch làm việc gây thiệt hại lớn. “Cắt điện cần có kế hoạch và ưu tiên không cắt trong khu công nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này đề nghị.

Ông Hồ Sỹ Lĩnh, quản lý lao động trong Công ty TNHH Foster (Bắc Ninh) than thở: Cứ vài ngày công ty lại bị cắt điện, mỗi lần mất nửa ngày, có hôm không báo trước khiến 3.000 công nhân đã đến đông đủ lại phải ra về. Doanh nghiệp chuyên ngành điện tử này chạy bốn máy phát điện liên tục cũng chỉ duy trì được 50% dây chuyền sản xuất. Chi phí vận hành máy phát mỗi giờ hết 9 triệu đồng, tăng cao nếu phải vận hành liên tục.

Theo ông Lĩnh, hiện công nhân phải đi làm luân phiên hoặc làm bù cuối tuần nếu có điện, tiền lương công ty vẫn trả đủ. Dù vâỵ, trải qua đợt sụt giảm đơn hàng, lại bước vào những ngày sản xuất “phập phù” vì điện, thu nhập của công nhân “chắc chắn sẽ giảm sút, chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng”.

Công nhân ở KCN Quang Châu (Bắc Giang) ra về giữa giờ vì mất điện. Ảnh: CTV

Công nhân ở KCN Quang Châu (Bắc Giang) ra về giữa giờ vì mất điện. Ảnh: CTV

Tương tự Bắc Ninh, Bắc Giang cũng trong tình trạng thiếu điện. Trong ba ngày đầu tháng 6, sản lượng tiêu thụ điện toàn tỉnh tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tại hội nghị cung ứng điện hôm 5/6, tỉnh chủ trương điều chỉnh phương án cấp điện trong vòng 20 ngày theo hướng ưu tiên sản xuất ban ngày, ban đêm cho dân sinh, sinh hoạt, sau đó tùy tình hình sẽ điều chỉnh tiếp.

Do đó, các doanh nghiệp sẽ sản xuất từ 7h45 đến 17h hàng ngày và được cấp điện liên tục. Doanh nghiệp có đơn hàng gấp sẽ đăng ký với Ban quản lý khu công nghiệp và chỉ sản xuất từ 0 đến 5h.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch công đoàn Công ty Hosiden (khu công nghiệp Quang Châu) cho biết lượng điện ban đêm chỉ đáp ứng được 5% so với nhu cầu nên công ty đã cho hơn 5.000 công nhân dừng hẳn ca đêm, trở lại làm việc 8 tiếng ca ngày từ 5/6. Đơn hàng tháng này quay trở lại gấp 1,5 lần so với tháng trước, công nhân vừa tăng ca được hai tuần thì thiếu điện khiến sản lượng bị kéo lùi.

“Để tránh bị phạt, nhà máy phải ưu tiên sản xuất đơn hàng gấp, song năng suất lẫn sản lượng vẫn giảm một nửa, thu nhập của người lao động từ đó cũng có nguy cơ giảm theo”, ông Tân nói, cho biết lương công nhân không tăng ca chỉ còn hơn 6 triệu đồng, sau đợt bị cắt điện này có thể giảm tiếp 30%.

Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu người lao động phải ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không phải do lỗi của chủ sử dụng; hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì hai bên tự thỏa thuận về tiền lương. Cụ thể: nếu ngừng việc dưới 14 ngày thì tiền lương không thấp hơn mức tối thiểu; nếu nhiều hơn 14 ngày thì hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo tiền lương trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức tối thiểu.

Hồng Chiêu