Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay


Học tập và làm theo Bác, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An luôn khắc phục khó khăn, gian khổ, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng cùng chính quyền địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ảnh: Ngọc Tú

Đồng thời có sự kế thừa những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và được sàng lọc, kiểm chứng, còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, có sự tiếp thu, bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người coi đây là vấn đề then chốt quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Trên cơ sở xem xét một cách toàn diện các lĩnh vực hoạt động của đời sống, trong các mối quan hệ và bản chất của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên chuẩn mực, những giá trị chung nhất, cơ bản nhất mang tính phổ quát của đạo đức cách mạng, đó là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc; phục vụ nhân dân; có tinh thần học tập suốt đời; tính tiền phong gương mẫu.

Thầm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo Nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường; các thế lực xấu, thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó, tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, nhấn mạnh yêu cầu: cùng với việc học tập, cần hết sức chú trọng việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với phương châm: Cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.

“Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điển hình là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Nghị quyết số 35/NQ-TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; và gần đây là Kết luận số 21-KL/TW, Kết luận số 12-KL/TW trong nhiệm kỳ Đại hội XIII… Có thể nói, đây là những bước phát triển rất mới về nhận thức, tư duy, lý luận và hành động của Đảng trong xây dựng, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Tân, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng, đáp ứng đòi hỏi ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự chống phá của các thế lực thù địch, khung tiêu chí chuẩn mực đạo đức cán bộ cần chú ý tới các tiêu chí: Bản lĩnh chính trị, học tập nâng cao trình độ, giữ vững kỷ luật Đảng và thực hiện pháp luật của Nhà nước, phòng chống chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân là tiêu chí rất quan trọng. Vì nếu không chủ động phòng, chống thì người cán bộ, đảng viên rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Mà khi đã sa vào chủ nghĩa cá nhân thì trong bất cứ công việc gì, họ cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, muốn mọi người vì mình trước khi mình vì mọi người.

Thực tế, hiện nay, rất nhiều chuẩn mực đạo đức mới được hình thành, phát triển phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại. Song, trước sự tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, sự chống phá của các thế lực thù địch, sự tác động từ những tiêu cực, tệ nạn xã hội, lối sống thực dụng… đang làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của Đảng và dân tộc, tạo ra sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho rằng, trong bối cảnh đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong cả lời nói, bài viết và việc làm ở mọi lúc, mọi nơi.

“Mỗi lời nói, bài viết phải thể hiện rõ sự mẫu mực về tính đảng, vì lợi ích chung của tập thể và nhân dân; đồng thời, thể hiện rõ niềm tin yêu, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; quan tâm chăm lo đến lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách; nói đi đôi với làm; tận tụy, tâm huyết với công việc; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh, phê phán, khắc phục mọi biểu hiện thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo; phải có dũng khí vượt qua mọi cám dỗ, những khó khăn, thử thách, chiến thắng chính mình và giúp đỡ cấp dưới khi mắc sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ, trưởng thành. Kiên quyết chống lại mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực”.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng nhấn mạnh

Bích Nguyên