Mất điện người có thể kệ, nhất định không để gà chịu nóng
Phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ, anh Cường cho biết, 2 tuần nắng nóng cao độ trên địa bàn xã thường xuyên mất điện mà người dân không hề nhận được thông báo. Oái oăm hơn, thời gian cắt điện mỗi ngày mỗi giờ khác nhau.
Người dân theo dõi camera giám sát chuồng gà vì lo sợ sự cố, mất điện trong trại.
“Mỗi lần cắt điện khoảng 5-6 tiếng, hôm thì cắt buổi sáng từ 10h-16h, hôm thì từ 16h-21h tối. Nếu chúng tôi không tự theo dõi thông tin trên trang web của điện lực Chương Mỹ thì không nắm được lịch cắt điện”, anh Cường vò đầu bứt tai.
Anh Cường chia sẻ, mất điện, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn đã đành, khốn khổ hơn là cả nhà lo toát mồ hôi, luôn phải túc trực 24/24 giờ, canh 10.000 con gà vì sợ chuồng trại bị cắt điện.
“Chúng tôi chăn nuôi gà công nghiệp theo mô hình khép kín. Thời điểm gà chuẩn bị xuất chuồng là vất vả nhất, chỉ sơ sẩy mất điện mà không biết thì chưa đến nửa tiếng cả đàn gà chết ngạt hết.
Bởi vậy gia đình tôi lúc nào cũng phải có người túc trực bên cạnh đàn gà, ban ngày không dám đi đâu, ban đêm cũng thấp thỏm không dám ngủ”, anh Cường kể.
Anh Cường chán nản khi mất trắng 4.000 con gà chuẩn bị xuất chuồng do gặp sự cố về điện.
Chỉ tay về phía khu chuồng chăn nuôi gà, anh Cường xót xa: “Nửa tháng trước, chỉ 20 phút sau khi mất điện, 4.000 con gà trong trang trại chết như ngả rạ. Còn 1 ngày nữa là xuất chuồng, tiền nhìn thấy rồi mà bỗng chốc bốc hơi sạch. Lúc đó quả thật muốn khóc mà không khóc được”.
4.000 con gà chết, anh Cường không những mất trắng hơn 300 triệu đồng, còn phải đền cho công ty hơn 300 triệu theo quy định vì không giao được hàng đúng hợp đồng.
“Vụ đó tôi mất trắng hơn 700 triệu đồng, bằng 1 năm chăn nuôi. Hôm qua mới xuất 6.000 con còn lại, buồn không nói nên lời”, anh Cường nói.
Anh Cường dọn dẹp chuồng trại chuẩn bị chăn nuôi lứa gà mới.
Cũng rơi vào tình trạng thấp lo cho gà hơn lo con, anh Nguyễn Kim Thịnh (45 tuổi, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) gần 1 tháng trở lại đây không dám ra khỏi nhà, luôn phải túc trực canh trại, ôm máy phát điện, hồi hộp đếm từng ngày khi đàn gà gần 20.000 con đang giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng.
“Mất điện kéo dài như những ngày vừa qua, người chăn nuôi như chúng tôi là khổ nhất. Với nuôi gà, điện còn quan trọng hơn cả thức ăn vì bên trong chuồng kín như bưng, mất điện là hệ thống điều hòa, quạt hút gió không hoạt động thì chỉ 10 phút là… đi cả đàn gà”, anh Thịnh chia sẻ.
Những ngày này, anh Thịnh chỉ lo việc túc trực bên máy phát điện và chuồng gà.
Hiện nay, trang trại của gia đình anh Thịnh đang nuôi khoảng 20.000 con gà công nghiệp. Để đối phó với tình trạng bị cắt điện, anh phải chạy máy phát điện để duy trì quạt gió, hệ thống làm mát và tạo không khí cho gà thở.
“Dù lắp đặt hệ thống còi báo, mất điện là có chuông có đèn báo nhưng tôi vẫn không dám ngủ, canh điện ngắt là phải ngay lập tức vận hành máy phát. Trong thời gian chạy máy phát điện cũng phải trông nom, nhỡ máy phát gặp sự cố thì cả gia tài tiêu tan trong phút chốc”, anh Thịnh nói.
Theo anh Thịnh, những ngày mất điện, các hộ chăn nuôi như gia đình anh phải tự bỏ tiền túi “nuôi” máy phát. 3 trang trại nuôi gà của gia đình anh phải chạy 2 máy phát điện, mỗi giờ hai chiếc máy phát ngốn 500.000 đồng tiền dầu. Mỗi lần bị cắt điện là chủ trại mất luôn 2-3 triệu đồng cho 4-5 tiếng vận hành máy phát.
Anh Thịnh cho biết, với mô hình chuồng trại khép kín, điện còn quan trọng hơn thức ăn.
“Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài, người chăn nuôi gà như chúng tôi thực sự là khóc mếu. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn ngành điện đang gặp phải tuy nhiên mỗi lần cắt điện cần thông báo trước 1 ngày, gấp lắm thì cũng phải có nửa ngày để chúng tôi chuẩn bị.
Những hộ chăn nuôi như chúng tôi hầu hết sử dụng máy phát điện công suất lớn, mất nhiều thời gian chuẩn bị trước vận hành chứ không thể chữa cháy bằng cách lúc đó đi mua máy phát, mà có mua cũng cháy hàng hết rồi”, anh Thịnh thở dài.
9h sáng, điện phụt tắt, tiếng quạt, tiếng máy đột ngột dừng mà chuồng trại thì xao xác. Ông Bùi Tiến Nam (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vội vàng nhấn tay quay để khởi động máy phát điện, cấp tốc cứu đàn chim cút đẻ trong trại. Đây là lần thứ 2 trong ngày khu vực ông sinh sống mất điện.
Lo lượng dầu trong bình không thể duy trì chạy máy phát được 4 tiếng nữa, ông Nam vội vã mang can, phóng xe ra cây xăng mua thêm, vừa đi vừa lo lỡ mất điện đến sáng hôm sau thì xoay sao nhiên liệu chạy máy phát.
Hệ thống quạt thông gió giữ vai trò quan trọng trong chăn nuôi.
1 tuần trở lại, chiếc máy phát điện cũ của gia đình ông luôn hoạt động hết công suất vì mất điện liên tục. Tiếng máy nổ rầm rầm từ sáng sớm để vận hành quạt, máy bơm nước cho trang trại chim cút.
30.000 con chim cút “mẹ” là cả cơ ngơi của gia đình. Bởi vậy từ sáng đến đêm, vợ chồng lão nông luôn túc trực ở trang trại trông nom, cho chim ăn, uống nước, nhặt trứng. Đàn chim cút “đẻ” ra tiền, là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.
Theo ông Nam, nuôi chim cút không khác gì nuôi con mọn. Mùa hè phải có quạt điện, điều hòa, có hệ thống làm mát trong trại nuôi, chăm ăn chăm uống liên tục. Do đặc tính riêng của loại gia cầm này, cả nhà ông lo sợ nhất là cảnh mất điện.
Chuông cảnh báo được lắp đặt tại trang trại để cảnh báo mỗi khi mất điện.
“Nếu mất điện, không có máy phát để chạy hệ thống quạt, nước phun làm mát trần tôn thì đàn chim cút khó sống”, ông Nam chia sẻ.
Những ngày qua điện cắt liên tục, có ngày mất 2-3 đợt, mỗi đợt 4-6 tiếng đồng hồ. Vợ chồng ông đã ăn, ngủ ngay tại trang trại để trông chừng mất điện.
Ông Nam cho biết: “Gia đình luôn phải bố trí một người ở lại trang trại, giữa, cả trưa và đêm không dám ngủ, chỉ ngay ngáy lo mất điện. Kinh tế của gia đình phụ thuộc toàn bộ vào chăn nuôi, không trông chừng sơ sẩy ngay”.
Điều đáng nói, bên cung cấp điện chỉ thông báo ngày cắt chứ không nêu chi tiết những khung giờ phải giảm tải nên gia đình ông phải canh gác cả ngày ở đây. Có hôm vừa cầm bát cơm lên thì điện tắt phụt. Cả gia đình lại nháo nhào hô nhau khởi động ngay máy phát. Điện có thì dành để phục vụ đàn chim, ông bà chủ dù đầm đìa mồ hôi giữa cái nóng nực cũng vẫn phải đứng canh máy, quạt cho chim cho gà.
Đàn gà được trông nom, chăm sóc như con mọn.
Những ngày qua, cả gia đình bơ phờ lo cho đàn cút. “Người có thể chịu nóng, chứ mấy chục nghìn con chim đang kỳ đẻ rộ nhất thiết không thể thiếu quạt, thiếu điều hòa, nước uống”, ông Nam than tình hình chăn nuôi mùa này khó khăn. Giá thức ăn tăng cao, trong khi giá trứng bán ra lại rất rẻ, như trứng cút thường chỉ 36.000 đồng/100 quả, 55.000 đồng/100 quả trứng cút lộn.
Ấy vậy mà giờ còn thêm gánh nặng vì mất điện. Mỗi giờ mất điện lại thêm bao nhiêu tiền dầu chạy máy phát, nhẩm tính mỗi ngày chi phí đội thêm 500.000 đồng. Dù vậy vẫn phải bấm bụng chi. Thế nên máy phát chỉ ưu tiên dành cho đàn chim, người… không có suất.