Được biết, ý tưởng khởi nghiệp này là của anh Trần Hồng Trương (34 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM).
Mô hình được anh đặt tên là Bike Cơm (xe cơm di động). Trong đó, anh Trương thiết kế đằng sau xe máy một chiếc thùng to dán chữ “Cơm trưa 25k – 35k” kèm hình minh họa. Bên trong thùng là hộp giữ nhiệt giúp cơm trắng và đồ ăn kèm luôn ấm nóng như vừa nấu.
Những hình ảnh xe cơm và cuộc sống đời thường của anh Trương bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC)
Khởi nghiệp với món “cơm rẻ, khỏe ví”
Về ý tưởng, anh Trương cho biết, một lần quan sát các cô chú tiểu thương khệ nệ xách những bọc ni-lông đựng cơm đóng sẵn mang đến trước công trình chờ bán cho công nhân, anh thấy công việc này quá cực nhọc.
Ngay sau đó, anh đã tìm tòi các video ở nước ngoài và nhận thấy mô hình Bike Cơm đã xuất hiện ở nhiều nước khác nhau.
“Khách hàng giờ đã quen thuộc với việc đặt đồ ăn nhưng phí giao hàng đắt đỏ, làm đội giá bữa cơm nên cũng phải tính toán. Người bán thì thường gặp khó về tiền mặt bằng, thuê quán, cũng làm tăng giá bán. Đây chính là “khoảng trống” để mình nắm cơ hội. Làm xe cơm lưu động như này, người mua không tốn tiền gọi ship đồ, tôi bán hàng cũng không phải đóng thêm phí cho ứng dụng, mặt bằng cũng như nhân công vận hành…” – anh Trương chia sẻ.
Những món ăn nóng hổi từ xe cơm di động khiến giới văn phòng thích thú (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, xe cơm di động của anh Trương hiện bán ở 3 quận trung tâm Sài Gòn là quận 1, quận 3 và quận 10, nơi tập trung dân công sở, văn phòng, công nhân cũng như giới trẻ. Bữa trưa nơi trung tâm thành phố đắt đỏ nhất cả nước mà giá chỉ 25.000 – 35.000 đồng.
Anh Trương quả quyết, đây là cơm trưa rẻ nhất có thể ở TPHCM. Trong đó, việc không cần đặt đồ ăn qua ứng dụng đã giúp giảm tối thiểu 15.000 đồng cho người mua.
“Đây là một giải pháp cho những ai muốn ăn cơm lạ miệng, được giao tận nơi lại “mát” ví tiền. Ở những khu văn phòng xung quanh ít hàng quán bình dân xung quanh, Bike Cơm là lựa chọn tốt với dân công sở” – anh Trương nói.
Bike Cơm là ý tưởng của anh Trương sau 4 lần thất bại mở quán (Ảnh: NVCC).
8 năm làm bếp ở Hàn Quốc và 4 lần thất bại khi mở quán
Mỗi ngày, anh Trương dậy từ 5h sáng đi chợ, chọn mua thịt, cá, rau củ tươi ngon về nấu nướng. Khoảng đến 10h, sau khi đóng gói xong thực phẩm, xe cơm di động bắt đầu khởi hành, hướng tới trung tâm thành phố.
“Mỗi ngày tôi có khoảng 5-6 món khác nhau, thực đơn thay đổi xen kẽ. Một phần cơm bao gồm: hộp cơm trắng, món mặn ăn kèm, canh rau, nếu ai cần thêm cơm có thể lấy miễn phí” – anh Trương giới thiệu.
Quán ăn được anh Trương mở nhưng không hiệu quả vì tiền mặt bằng, giao hàng và do dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).
Trước đó, anh Trương từng là đầu bếp tại Hàn Quốc. Có kinh nghiệm 8 năm làm công việc này nên anh hoàn toàn tự tin các món ăn đa dạng của mình chinh phục được khách hàng.
Trở về Việt Nam, anh Trương đã 4 lần mở quán ăn nhưng vì lí do dịch Covid-19 và một số vấn đề khách quan mà chỉ một thời gian ngắn lại ngậm ngùi đóng quán. Dù vậy, những lần thất bại đã dạy cho anh khả năng quan sát, phân tích thị trường.
Dù trải qua nhiều thất bại, anh Trương vẫn giữ được tinh thần tích cực, lạc quan (Ảnh: NVCC).
Với Bike Cơm, ban đầu mỗi ngày anh Trương chỉ bán được khoảng 10 suất cơm, có hôm chỉ 1-2 suất. Nhưng sau khi hình ảnh xe cơm di động của anh chàng đầu bếp từ Hàn Quốc được chia sẻ trên mạng xã hội, dân văn phòng đã chọn ăn thử nhiều hơn.
“Mỗi lần lóe lên ý tưởng gì hay, nhận thấy mô hình kinh doanh nào khả thi, mình đều nhiệt huyết bắt tay vào làm. Việc gì ban đầu cũng khó khăn, đó là điều tất yếu người kinh doanh, khởi nghiệp nào cũng phải trải qua. Vì vậy, thành hay bại thì đây cũng là cơ hội để mình quan sát, lắng nghe, điều chỉnh. Ngay cả khi lần này lại bại nữa, mình vẫn được về kinh nghiệm nên chẳng có gì phải buồn”, chàng trai trẻ cười xòa.