Bước tiến quan trọng giúp Mỹ tránh nguy cơ suy thoái

Biên phòng – Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden (thuộc đảng Dân chủ) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy – đại diện đảng Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công. Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ sẽ là bước tiến quan trọng để giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ và rơi vào suy thoái.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong cuộc thảo luận về trần nợ công tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Hiện chưa có giới hạn ngân sách sau năm 2025. Các chương trình hỗ trợ y tế được giữ nguyên.Thỏa thuận cũng nâng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD trong hai năm. Tuy nhiên, các khoản chi để thực thi đạo luật giảm lạm phát phải cân đối lại.Trước đó, hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công.

Sau khi nhóm đàm phán hoàn tất nội dung thỏa thuận và được Quốc hội Mỹ thông qua, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và huy động hàng trăm tỷ USD tiền mặt từ thị trường để lấp đầy ngân sách. Theo dự đoán củaNgân hàng JPMorgan, việc tăng trần nợ dự kiến sẽ được thực hiện thông qua chương trình phát hành lượng trái phiếu trị giá mới trị giá gần 1.100 tỷ USD trong 7 tháng tới; đồng thời củng cố niềm tin cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất một lần nữa.

Trước đó, Nhà Trắng cảnh báo, nếu không nâng trần nợ công, kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo. Theo các chuyên gia tài chính, nếu vỡ nợ, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống; 7,8 triệu việc làm của nước này sẽ biến mất; lãi suất vay sẽ tăng vọt; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,4% hiện tại lên 8% và thị trường chứng khoán lao dốc sẽ xóa sạch 10.000 tỷ USD tài sản của các gia đình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng Bộ Tài chính ước tính sẽ không còn nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của Chính phủ, nếu Quốc hội không nâng trần nợ công trước ngày 5/6.

Trong quá khứ, chính trường Mỹ từng vượt qua nhiều lần nợ công. Quốc hội đã nâng, sửa đổi hoặc gia hạn giới hạn vay 78 lần kể từ năm 1960 và gần đây nhất là vào năm 2021.Đồng USD mặc dù vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu, nhưng đã mất điểm trong những năm gần đây khi nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng đồng euro và ở mức độ thấp hơn là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nợ công của Chính phủ Mỹ năm 2021 là 31.000 tỷ đô la Mỹ, bằng 120% GDP, thuộc loại cao nhất thế giới. Tỷ lệ nợ công trên GDP ở Mỹ hiện nay đã đạt mức cao nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngay sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ, thị trường ở các lĩnh vực đã có sự khởi sắc, đầu tiên là giá dầu tăng tại châu Á trong phiên sáng 29/5. Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 66 xu Mỹ, hay 0,9%, lên 77,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 75 xu Mỹ, hay 1%, lên 73,42 USD/thùng. Khả năng Mỹ tránh được vỡ nợ đã làm tăng nhu cầu của giới đầu tư đối với các tài sản, trong đó có dầu thô.

Tuy hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, nhưng giới tài chính vẫn lo ngại về thời gian Quốc hội Mỹ xem xét thông qua nâng trần nợ công trước khi Chính phủ Mỹ cạn tiền vào ngày 5/6 tới đây. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá, kế hoạch phát hành trái phiếu quy mô lớn trong bối cảnh lãi suất ở mức cao như hiện nay, sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ của các ngân hàng.Tình trạng trên sẽ làm nổi bật xu hướng rút tiền gửi vốn đã phổ biến, gây thêm áp lực đối với thanh khoản đối với các ngân hàng, đẩy lãi suất đối với các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn lên cao.

Mặc dù còn nhiều sự lo ngại xung quanh kế hoạch ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, nhưng thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công vẫn là tin tức tích cực đối với thị trường tài chính trong nước Mỹ và thế giới. Theo dự kiến, các thành viên Hạ viện sẽ bỏ phiếu sau khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt thỏa thuận cuối cùng, sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các đề xuất nâng trần nợ công.

Thu Minh