Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Châu Giang

Biên phòng – Từ thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) qua phà Châu Giang là đến làng Chăm ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), nơi đây có cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm rất tự hào với nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống.


Ông Mohamad bày trí không gian thành điểm tham quan để du khách tìm hiểu về thổ cẩm Châu Giang của đồng bào Chăm. Ảnh: Phương Nghi

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Châu Giang

Thổ cẩm Châu Giang không chỉ đậm nét truyền thống, mà còn mang nét đặc sắc của văn hóa Chăm với các đường nét lạ, độc đáo, có nhiều loại sản phẩm, như khăn choàng tắm, xàrông, khăn Mat’ra, váy, nón và túi xách, lễ phục nam, nữ…được trang trí màu sắc, hoa văn, họa tiết rất sặc sỡ. Các sản phẩm được làm đủ loại, từ thông dụng nhất cho đến các loại cao cấp dành cho xuất khẩu.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống nên đến tuổi trưởng thành, những cô gái Chăm đều thành thạo, nhuần nhuyễn nghề dệt. Đặc biệt, một số chị em trở thành những người thợ chuyên nghiệp của làng và của cả vùng. Trong nhiều phụ nữ Chăm ở ấp Phũm Soài sống bằng nghề dệt, có nhiều chị trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn khá trẻ. Có người tuổi đời chỉ trên 30 nhưng tuổi nghề đã có gần 20 năm gắn bó với nghề dệt.

Chị Mari Dâm, thợ dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong chia sẻ: Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác trước rất nhiều, nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng.

“Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở Châu Phong. Đồng bào Chăm cũng khéo léo, sản phẩm làm ra vừa có sự mềm mại từ chất liệu, cuốn hút bởi dáng vẻ duyên dáng, vừa mang nét bí ẩn, kết hợp tinh xảo từ cách phối màu tơ đến kỹ thuật dệt, bố cục tổng thể, tạo hình hoa văn, đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo của người Chăm An Giang” – chị Mari Dâm chia sẻ.

Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Chăm ở xã Châu Phong, Tân Châu đã xây dựng các điểm dừng chân du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, có tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, nghề truyền thống như đi thuyền tham quan sông nước tuyến Châu Phong – Long An – Long Châu – dọc bờ kè trung tâm thị xã; điểm dừng chân Trung tâm du lịch cộng đồng dân tộc Chăm Châu Phong gắn với dệt thổ cẩm, dệt khăn choàng đầu của phụ nữ Chăm.Đặc biệt, đẩy mạnh giới thiệu về du lịch của thị xã Tân Châu trên các trang thông tin điện tử bằng hình ảnh và phóng sự giới thiệu về làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang…

“Bên cạnh đó, chính quyềnthị xã Tân Châu còn tạo điều kiện cho các hộ sản xuất của làng nghề tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ trên các vùng miền, góp phầngiải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động (không chỉ mùa vụ mà ổn định lâu dài), sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội” – bà Bình chia sẻ.

Người đưa thổ cẩm Châu Phong vươn xa

Dù không còn hưng thịnh như những năm trước, nhưng ông Mohamad ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, người đã có gần 50 nămgắn bó với nghề dệt thổ cẩm đãđưa các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm vươn xa.

Ông Mohamad nói: Để có được một sản phẩm đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn thủ công, từ chế tác hoa văn, kỹ thuật nhuộm, lên khung dệt…và không thể thiếu sự khéo tay của người thợ dệt tài hoa. Thổ cẩm Châu Giang là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

“Mặc dù thổ cẩm của người Chăm khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ chất liệu tự nhiên như klek (mủ cây), pahud (vỏ cây), trái mặc nưa là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang” – ông Mohamad cho biết.

Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được bày bán tại cơ sở và xuất khẩu. Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa…Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch tham quan làng nghề. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 đến 200.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của ông Mohamad còn góp phần tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày.

Bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết:Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm.

“Bên cạnh đó, trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang đến với du khách. Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm, như cà ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng…khi du khách yêu cầu. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề” – bà Như Ý thông tin.

Mới đây, ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 480/QĐ–BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Chăm, xã Châu Phong. Đây là niềm vinh dự và tự hào trong cộng đồng người Chăm An Giang.

Phương Nghi