Múa khèn – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông trong các lễ hội. Ảnh: Trung Kiên
Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Trong những năm qua, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó, văn hóa đã tạo nên những dấu ấn quan trọng cho vùng miền núi và các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người (chiếm 14,7%) dân số của cả nước. Quy mô dân số không đồng đều: có 6 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó, có 5 dân tộc dưới 1.000 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sống thành cộng đồng, đan xen với nhau và sống cùng dân tộc Kinh. Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam có bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn, đã tạo nên những dấu ấn riêng…
Trước hết, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đường lối, chính sách dân tộc được xác định có vị trí, vai trò đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước. Điều đó đã được khẳng định trong đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập với nguyên tắc: Bình đẳng – Đoàn kết – Tương trợ – Giúp nhau cùng phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku – Gia Lai với lời khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Điều đó đã được Người khẳng định: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên CNXH”.
Nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc là nội dung chính xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội và bổ sung phù hợp. Đại hội Đảng lần thứ VIII xác định: “Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Luật Dân tộc. Thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu là xóa đói, giảm nghèo, ổn định cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới; xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII).
Các quan điểm chỉ đạo được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết tại các hội nghị Trung ương. Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 24-NQ/TW (12/3/2003) khóa IX về công tác dân tộc xác định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam; phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất; các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển…
Xác định văn hóa là vấn đề con người. Công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan Nhà nước. Theo Ủy ban Dân tộc, hiện, cả nước có 68.781 biên chế là người dân tộc thiểu số (chiếm 11,68% tổng biên chế cả nước). Theo một thống kê, trong 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 – 2026), đã có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Chăm, Ê Đê, Khơ Mú, Nùng, Giáy, Sán Dìu, Thổ, Xơ Đăng, Brâu, Sán Chay (Cao Lan), Lự, La Chí, Vân Kiều, Lào, Hoa, Cơ Ho… Các địa phương Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Đắk Lắk có tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử cao…
Đường lối, chính sách chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã tạo nên những kết quả quan trọng trong đời sống văn hóa vùng miền núi và các dân tộc thiểu số. Cụ thể, các dân tộc thiểu số được hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo. Các chương trình của Nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Chương trình 135; Chương trình 143; Chương trình 134; Chương trình hành động 122 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 (giai đoạn 2) về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc thiểu số…
Theo đó, các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên triển khai; quyền bình đẳng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần được hỗ trợ thực hiện. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. 100% xã có trạm y tế và cán bộ y tế, 100% số huyện có trung tâm y tế và bác sĩ; giảm xuống dưới 25% số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; ngăn chặn, đẩy lùi được một số dịch bệnh phổ biến trước đây ở miền núi và các dân tộc thiểu số…
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, mức thụ hưởng văn hóa được nâng cao; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được coi trọng. Với những nỗ lực đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được ghi danh trong và ngoài nước.
Có thể kể đến nhiều di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, như: Thánh địa Mỹ Sơn, Cao nguyên đá Đồng Văn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… và gần đây nhất là Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh. Các chương trình song ngữ Việt và gần 30 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Nhờ đó, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc được nâng cao, cuộc sống từng bước được cải thiện; khoảng cách phát triển giữa các dân tộc từng bước thu hẹp…
Là một lĩnh vực tinh tế của văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền văn học nghệ thuật nước nhà; gắn bó với từng mốc son lịch sử dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Từ “Ngọn đuốc soi đường”, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số Việt Nam không ngừng sáng tạo cống hiến cho nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; góp phần quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đường lối, chính sách chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã tạo nên những kết quả quan trọng trong đời sống văn hóa vùng miền núi và các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số được hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, mức thụ hưởng văn hóa được nâng cao; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được coi trọng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng