HH house là ngôi nhà phố được xây dựng tại Ninh Bình cho gia đình 3 thế hệ cùng chung sống.
Một vấn đề thường trực khi thiết kế những ngôi nhà ống chật hẹp trong bối cảnh đô thị hiện đại là: làm thế nào để thiết lập được không gian mà ở đó các thành viên trong gia đình có cơ hội tương tác với nhau nhiều hơn?
Để làm được điều này thì việc tăng cường khoảng trống cho nhà phố là điều cần thiết song “mâu thuẫn” luôn xảy ra. Cụ thể với công trình HH house, ba thế hệ chênh lệch về tuổi tác, thói quen sinh hoạt riêng biệt hình thành nên nhu cầu về các không gian cá nhân khép kín (hay còn gọi các khoảng đặc).
Các khoảng đặc này chiếm một phần đáng kể về thể tích trong ngôi nhà đồng thời làm giảm sự tương tác của các thành viên trong gia đình.
Nhằm tăng khả năng kết nối giữa các thành viên trong gia đình, kiến trúc sư áp dụng cấu trúc lệch tầng cho nhà phố. Cấu trúc chính của HH House được thiết lập bởi những thay đổi liên tục của cột cao độ các mặt sàn.
Thiết kế này giúp không gian “chảy” liên tục, hình thành nên các khoảng rỗng, gợi mở tính kết nối ở từng không gian riêng tư và chung.
Không gian sinh hoạt chung được bố trí ở trung tâm của nhà phố theo chiều dọc và được bao quanh bởi các phòng riêng tư hơn với thứ tự ưu tiên theo khoảng cách di chuyển.
Khoảng cách gần nhất là phòng ngủ của người ông đã cao tuổi, tiếp theo ở khoảng cách xa hơn là phòng ngủ của ba mẹ và con cái.
Đan xen giữa không gian riêng tư và chung là vùng đệm. Nó không chỉ tăng tiện nghi vi khí hậu trong nhà mà còn xoá nhoà ranh giới giữa không gian riêng tư và chung.
Nhờ đó, mọi người có thể chọn cho mình “khoảng trời riêng” mà vẫn có cơ hội tương tác với nhau thông qua ánh nhìn, cử chỉ hoặc âm thanh.
Cầu thang bê tông dẫn tới các không gian khác của căn nhà. Nguồn ảnh: Trieu Chien
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống