Việc người dân xếp hàng từ sáng sớm với hy vọng sẽ là một trong số ít sở hữu “tấm vé” may mắn mua được nhà ở xã hội cho thấy nhu cầu phân khúc này rất lớn. Thế nhưng trong những đợt bốc thăm ấy cũng có một vài hiện tượng khiến người có mặt phải suy nghĩ.
Hơn nghìn người xếp hàng mua nhà ở xã hội đắt nhất từ trước đến nay tại Hà Nội
Tỷ lệ bốc thăm cao hơn tỷ lệ chọi thi đại học
Sáng 20.5, hàng nghìn người có mặt tại Nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội) để tham dự buổi bốc thăm mua nhà ở xã hội của dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm). Trong số đó, có những người đã có mặt từ 4h sáng để xếp hàng, mặc dù 10h30p buổi bốc thăm mới chính thức bắt đầu.
Vui, buồn, hạnh phúc, tiếc nuối… là những cảm xúc xen lẫn của những người tham gia sau khi sự kiện bốc thăm kết thúc.
Chị N., một người may mắn cầm trong tay kết quả được mua căn hộ tại dự án này đã không kìm nổi xúc động khi chia sẻ với PV. Chị cho biết, đến giờ phút ấy, chị vẫn không tin trong hơn 1.000 người tham gia, chị lại là người được mua 1 trong 149 căn hộ.
Trái ngược với niềm hạnh phúc của chị N, lại là những nét buồn tiếc nuối hiện rõ trên khuôn mặt những ai chưa được may mắn. Họ sẽ lại phải tiếp tục chờ đợi, đến một ngày chạm tay được với giấc mơ an cư tại Thủ đô, nhưng không biết là bao giờ, khi thu nhập của họ vẫn còn bấp bênh mà số lượng căn nhà ở xã hội thì lại vô cùng ít ỏi.
Trước đó, một dự án nhà ở xã hội mở bán tại Đà Nẵng cũng thu hút sự quan tâm khi có hàng trăm người xếp hàng từ 4h sáng để nộp hồ sơ.
Song, liệu có phải tất cả những người tham gia sự kiện bốc thăm mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn vừa qua và nhiều dự án trước đó đều có thu nhập thấp, đều chưa từng có nhà khi vẫn có những chiếc xế hộp tiền tỉ xuất hiện? Nhà ở xã hội đã đến tay đúng đối tượng hay chưa vẫn là một vấn đề cần phải làm rõ.
Được biết tính đến quý 1.2023, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156.000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng 454.000 căn. Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.
Tại Toạ đàm trực tuyến Tháo gỡ điểm nghẽn cho nhà ở xã hội vừa qua, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, nhu cầu NOXH của người dân đang rất cao, thể hiện điển hình như việc bốc thăm mua căn hộ tại dự án NHS Trung Văn (Hà Nội) ngày 20.5 vừa qua, được báo chí so sánh giống như thi đấu hay tỷ lệ chọi cao như thi đại học.
Có nên mở rộng đối tượng thụ hưởng?
Để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Hưng cho rằng, giải pháp là làm sao tăng được nguồn NOXH. Khi nguồn cung đáp ứng tương đối đầy đủ được nhu cầu thực tế thì các vấn đề tiêu cực như “cò mồi”, thổi giá, tiền chênh… trong phân phối NOXH mới có thể giảm xuống.
Vấn đề đặt ra là làm sao có được nguồn cung? Theo vị này, việc tạo quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… cho nhà ở xã hội phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Như định mức lợi nhuận hiện nay cao nhất là 10%, nhưng trong tương lai các mức ưu đãi cao hơn như 15%, 20%… thì cần nghiên cứu xem xét sao cho thực chất, đúng mức. Tuy nhiên, vị này cho rằng cũng cần làm cho doanh nghiệp hiểu về vai trò, nghĩa vụ chính trị đối với xã hội.
Đại diện Bộ Xây dựng thông tin, gần đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất với Chính phủ trình ra Quốc hội hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi thực chất hơn cho doanh nghiệp tham gia phát triển NOXH trong giai đoạn tiếp theo.
Về vấn đề có nên mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH, ông Hưng cho rằng, trước mắt, cần tập trung giải quyết thấu đáo rồi mới rà soát, nghiên cứu sau. “10 nhóm đối tượng được ưu tiên mua NOXH như quy định hiện hành cũng đã được rà soát, nghiên cứu rất kỹ càng trước khi đưa vào Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH, nhà ở công nhân đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Hưng nhận định.
Cũng theo ông Hưng, nhu cầu của các địa phương rà soát đăng ký gửi Bộ Xây dựng là khoảng 1,8 triệu căn hộ, nhưng từ nay đến năm 2030 cần tập trung giải quyết được ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH.
“Với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, để giải quyết được mục tiêu 1 triệu căn hộ NOXH cũng không đơn giản, phải là sự nỗ lực quyết tâm, cố gắng phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện nay vẫn có quan niệm cũ là phải có sự bao cấp của Nhà nước như: đất đai không thu tiền, vốn làm nhà phải có ưu đãi… “Thực tế rất nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng sức của mình để giải quyết được vấn đề NOXH, giống như làm nhà ở thương mại giá rẻ. Lúc này, chúng ta cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đó là phân khúc ngay sát kề với NOXH”, ông Võ nói.
Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, cũng không nên có quan niệm là NOXH mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn.
Ngoài ra, ông Võ đề xuất cần đi kèm với chính sách về nhà ở là cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi… mới tạo nên tổng thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Sức doanh nghiệp có thể tạo ra được áp dụng công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu xây dựng làm giá thành nhà ở giảm đi rất nhiều.