02/06/2023 14:29
(PLVN) – Sáng 2/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)” với sự chủ trì của TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL và ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL.
5 nhóm tiêu chí cụ thể
Thông tin tại Hội thảo, Lãnh đạo Vụ PBGDPL cho biết: Để đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL vào quý III/2023. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Vụ PBGDPL đã xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên trình bày các nội dung chính của Khung tiêu chí.
Theo đó, tiêu chí chung được chia thành 02 nhóm bao gồm: Nhóm Tiêu chí áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc phạm vi thí điểm; Nhóm Tiêu chí áp dụng cho các địa phương thuộc phạm vi thí điểm.
Tiêu chí chung được phân thành 5 nhóm Tiêu chí, trong đó có các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá cụ thể với tổng điểm tối đa là 100. Cụ thể: Nhóm Tiêu chí 1: Bao gồm các chỉ tiêu bảo đảm chất lượng công tác xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động PBGDPL trong năm đánh giá. Điểm số tối đa là 10 điểm.
Nhóm Tiêu chí 2: Bao gồm các chỉ tiêu bảo đảm chất lượng quản lý, sử dụng đội ngũ tham mưu công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Điểm số tối đa là 10 điểm.
Nhóm Tiêu chí 3: Bao gồm các chỉ tiêu bảo đảm kinh phí cho hoạt động PBGDPL và các điều kiện cho chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Điểm số tối đa là 10 điểm.
Nhóm Tiêu chí 4: Bao gồm các chỉ tiêu bảo đảm công tác tổ chức, thực hiện các hoạt động PBGDPL theo đúng kế hoạch. Điểm số tối đa là 10 điểm.
Nhóm Tiêu chí 5: Bao gồm các chỉ tiêu đánh giá tác động của công tác PBGDPL đối với chuyển biến về nhận thức, hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Điểm số tối đa là 60 điểm.
Vụ PBGDPL xác định Tiêu chí hiệu quả đầu ra của hoạt động PBGDPL là nhóm tiêu chí mang tính định hướng và tạo cơ sở để các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thuộc phạm vi thí điểm cụ thể hóa thành các tiêu chí riêng phù hợp với đặc điểm của từng hoạt động và tình hình thực tiễn tại các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm.
Cần quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực
Để tổ chức triển khai Đề án đảm bảo mục tiêu và thời gian thực hiện, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Tiêu chí chung trong Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL để các cơ quan được giao thí điểm xây dựng và triển khai Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp với phạm vi quản lý của mình. Đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác PBGDPL; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL. Đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác PBGDPL.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu.
Từ góc độ của cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết VCCI đã tiến hành một số điều tra, khảo sát doanh nghiệp đánh giá các hoạt động của cơ quan nhà nước, ví dụ điển hình là Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI)-đánh giá cơ quan cấp trung ương và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)-đánh giá cơ quan cấp địa phương. Đại diện VCCI cho rằng Bộ Tư pháp cần mô tả khoa học hơn về Bộ tiêu chí thông qua sơ đồ hóa; tham khảo kinh nghiệm từ việc xây dựng các Bộ chỉ số trước đó đồng thời làm rõ hơn các tiêu chí về đo lường. Ngoài ra, vị đại diện này cũng chia sẻ kinh nghiệm về các bước để tiến hành một cuộc khảo sát, điều tra mà cơ quan này đã thực hiện.
Đại diện VCCI chia sẻ một số kinh nghiệm tại Hội thảo.
Cơ bản nhất trí về nội dung, bố cục và sự cần thiết ban hành Khung tiêu chí, đại diện Sở Tư pháp Quảng Ninh đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét tiêu chí “Từ 50% – 100% các kế hoạch trước khi xây dựng có tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin pháp luật và hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng” để phù hợp tình hình thực tế công tác PBGDPL hiện nay.
Đối với các kế hoạch tổ chức hoạt động PBGDPL có lượng hóa các mục tiêu dự kiến đạt được sau khi kết thúc hoạt động PBGDPL, dự thảo có đề ra yêu cầu phải dự kiến cụ thể 2 yếu tố: Mức độ thay đổi trong kiến thức pháp luật của người được PBGDPL trước và sau hoạt động PBGDPL; Sự thay đổi trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật trước và sau hoạt động PBGDPL. Sở Tư pháp Quảng Ninh cho rằng, để đánh giá mức độ thay đổi về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thụ hưởng là một quá trình. Do vậy, yêu cầu lượng hóa trong một kế hoạch hoặc một hoạt động PBGDPL cụ thể là rất khó để đánh giá chính xác trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại diện Sở Tư pháp Quảng Ninh đóng góp nhiều ý kiến sát thực tế.
Thông qua các ý kiến tại Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đồng thời nắm bắt tình hình và định hướng việc triển khai thực hiện Đề án tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương thuộc phạm vi thí điểm.
Một số hình ảnh đại biểu trao đổi, góp ý tại Hội thảo:
Đại diện Sở Tư pháp Thanh Hóa.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp.
TS.Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.