Đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm về khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp – Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) khi thảo luận kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước sáng 31-5 cho rằng tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng đến nay còn 1 triệu tỉ đồng cho thấy vốn dư thừa rất lớn.
Hỗ trợ người lao động
Ông đề nghị linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hoặc sử dụng để xây dựng nhà ở cho thuê, nhà trọ cho người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
Đại biểu cho rằng làm thế sẽ giúp kinh tế ổn định hơn, kích cầu thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay.
Nêu thực trạng người lao động đột ngột mất việc làm, giảm giờ làm hoặc cắt giảm các khoản phúc lợi, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đặt câu hỏi: “Nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp khi thu nhập giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ thì phản ứng của họ sẽ ra sao, ngừng việc và đình công có xảy ra hay không?”.
Bà Dung cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) thì lo ngại với việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra khá phổ biến, cùng tình trạng người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Ông Trí đề nghị điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.
Đồng thời, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) thì chỉ ra việc áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát chưa đánh giá kỹ tác động cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm cũng là bất cập trong công tác điều hành, dẫn tới nền kinh tế có tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Hà Đức Thắng (Quảng Trị) cũng chỉ ra thực tế doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục.
Đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ: “Trước mắt rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp”.