Sức vươn ở một vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng – Là xã vùng cao biên giới với gần 87% cư dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm gần đây, xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thú vị. Đến Hải Sơn hôm nay, du khách không chỉ khám phá một nét đẹp riêng có trong bức tranh du lịch Móng Cái đặc sắc, mà còn trân quý biết bao sức vươn của một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cảm nhận rõ nét sự đổi thay trên quê hương vùng cao khi ý Đảng tròn vẹn với lòng dân!


Du khách đến với Hải Sơn sẽ được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực vùng cao độc đáo. Ảnh: Thu Hằng

Kể từ Lễ hội hoa sim biên giới lần thứ nhất tổ chức hồi tháng 5/2022, Hải Sơn nổi bật như một điểm đến riêng có trong bức tranh du lịch Móng Cái đặc sắc, thu hút hàng chục ngàn lượt nhân dân và du khách tới vùng cao, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc nơi đây. Vùng đất Hải Sơn với cảnh quan tuyệt sắc và những con người đồng bào mộc mạc, cùng truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, lòng hiếu khách chân thành đã níu chân du khách. Rồi khi tháng 5 ngập tràn nắng gió, nhiều người lại náo nức nhớ đến Lễ hội hoa sim biên giới ở Hải Sơn để xách ba lô lên với đồng bào, cùng khám phá miền biên giới thiêng liêng, hùng vĩ.

Được biết, Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh; diện tích tự nhiên 8.308,41ha. Phía Đông giáp xã Bắc Sơn, phía Nam giáp xã Quảng Nghĩa và xã Hải Tiến, phía Tây giáp xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, phía Bắc giáp thôn Thán Sản, trấn Na Lương, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với đường biên giới dài 12,006km. Địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt. Đơn vị hành chính có 3 thôn. Dân số trên 1.500 người, gồm 3 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 86,8%.

Xã biên giới hoang sơ ngày nào nay đã dần thay da đổi thịt bằng những ngôi nhà kiên cố, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, những con đường đất đã được thay bằng đường nhựa, thuận lợi cho ô tô tới tận các điểm đến. Trấn nhỏ Hải Sơn giờ khang trang, sạch đẹp, các khu vườn, đồi, trang trại, gia trại của bà con ngày càng phát triển, trong đó, nhiều hộ đã trở thành hộ khá, giàu nhờ những đồi keo xanh mướt, vườn trà hoa vàng giá trị cao hay trại lợn, gà quanh năm khách lui tới đặt hàng…

Toàn xã không còn hộ nghèo, đồng bào hôm nay yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng, giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt hơn, những người dân Hải Sơn hôm nay còn trở thành những đại sứ du lịch, những hộ kinh doanh, những hướng dẫn viên đặc biệt của miền biên giới bao la, hùng vĩ này.


Đồng bào dân tộc xã Hải Sơn trình diễn cách may vá, thêu thùa trên trang phục truyền thống tại Lễ hội hoa sim biên giới. Ảnh: Trung tâm VH&TT Móng Cái

Từ Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn tới Làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc bởi các bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Trên những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao hoặc thác 72 gian kỳ vĩ, hồ Tràng Vinh, núi Panai, Mã Thầu Sơn…, đến những món ăn vô cùng dân dã như cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim…, tất cả cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đến văn hóa ẩm thực đặc biệt đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bất kỳ ai một lần đặt chân tới Hải Sơn. Và đặc biệt hơn, tất cả đều do bàn tay của người Hải Sơn thực hiện.

Tháng 5 lại về, trong cái nắng vàng rực rỡ nhuộm thêm sắc tím ngọt ngào của hoa sim, bà con Hải Sơn xúng xính váy hoa, khăn quấn, chăm chút từng chú lợn béo tròn, nắn nót từng búp trà tươi, nhuộm thêm đậm đà mẹt xôi ngũ sắc… Tất cả mọi thứ được chuẩn bị chu đáo để đón mùa Lễ hội hoa sim biên giới lần thứ 2, diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023. Lễ hội thu hút hơn 10.000 lượt du khách đến các điểm du lịch trên địa bàn xã Hải Sơn như: Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, cột mốc 1347(2), xóm họ Đặng ở thôn Pò Hèn, khu 26 hộ ở thôn Thán Phún Xã, đồi sim, thác suối…

Trong khuôn khổ lễ hội có các chuỗi hoạt động gồm Lễ dâng hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; triển lãm tranh, ảnh đẹp về Móng Cái; trình diễn trang phục và liên hoan ẩm thực các dân tộc địa phương; họp phiên chợ Pò Hèn, giao lưu bóng đá nữ, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, leo cầu khỉ, đánh quay, bịt mắt bắt vịt, trèo cây chuối…


Nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc được trình diễn tại lễ hội. Ảnh: Trung tâm VH&TT Móng Cái

Ngoài ra, sự kiện còn có các hoạt động trải nghiệm, tham quan du lịch cộng đồng Hải Sơn; liên hoan tiếng hát khu dân cư xã Hải Sơn, chương trình nghệ thuật, đốt lửa trại; hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, hát giao duyên của dân tộc Dao… Chủ đề chính của lễ hội là “check in” tại khu vực đồi sim tự nhiên đang vào mùa nở rộ của vùng đất biên giới. Lễ hội gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, với rất nhiều hoạt động đặc sắc nhằm bảo tồn, quảng bá các hình ảnh, tiềm năng, lợi thế và khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thành phố Móng Cái nói chung và xã Hải Sơn nói riêng.

Qua lễ hội đã thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cổ vũ cán bộ, nhân dân các dân tộc tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Trong đặc sắc của du lịch ở vùng đất địa đầu Tổ quốc, mỗi người khi lựa chọn du lịch “về nguồn”, hãy về với miền biên giới thiêng liêng, hùng vĩ, để một lần cảm nhận sức vươn của một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cảm nhận rõ nét sự đổi thay trên quê hương vùng cao khi Ý Đảng tròn vẹn với lòng dân – chắc chắn là một sự lựa chọn trân quý, giá trị!

Thu Hằng