Bất ngờ “nổi tiếng”
Thời gian gần đây, hình ảnh anh chàng thu mua phế liệu luôn tươi cười chia sẻ về công việc hằng ngày nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng.
Những clip đơn giản như tìm thấy được những món đồ chơi cũ mang về cho con trai nhỏ, clip tìm vận may khi ngồi xé phong bì… được nhiều người yêu mến và nhận về hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt xem.
Nhiều clip anh Tân đăng tải có tới hàng chục triệu lượt xem (Ảnh chụp màn hình).
Chàng trai bán đồng nát này là anh Hoàng Ngọc Tân (32 tuổi, quê ở huyện Nam Sách, Hải Dương). Anh bắt đầu chia sẻ những clip về công việc thu mua và buôn bán đồng nát hơn 3 năm trước với mục đích giải trí.
“Tôi rất bất ngờ khi những clip của mình lại được mọi người ủng hộ, thả tim nhiệt tình như thế. Tôi không phải diễn viên nên không biết diễn, đi làm mệt nên tôi quay clip lại đăng lên để cho vui.
Mọi người phản hồi những clip tôi quay rất tích cực, mỗi lần xem là vui theo, giúp họ giải trí những lúc đi làm mệt mỏi. Vậy nên, tôi cũng có động lực để chia sẻ nhiều clip hơn”, anh Tân tâm sự.
Anh Hoàng Ngọc Tân (32 tuổi, Nam Sách, Hải Dương).
Từ ngày vô tình “nổi tiếng”, anh Tân nói công việc buôn bán đồng nát của anh cũng có phần thuận lợi hơn. Ra đường, nhiều người nhận ra anh nên bắt chuyện, hỏi thăm khiến cho cuộc sống thêm phần thú vị.
“Tôi hài lòng với những gì mình đang có. Tôi giờ có vợ hiền con ngoan, có công việc ổn định, cũng có nhiều người bạn ‘xa lạ’ chỉ đợi tôi livestream (phát trực tiếp) để vào nói chuyện. Hạnh phúc là khi mình biết đủ và riêng tôi như vậy là quá đủ”, anh Tân chiêm nghiệm.
Đến nay, tài khoản “Hoàng Tân đồng nát” của anh đã có hơn 7 triệu lượt thích và hơn 300.000 lượt theo dõi. Nhờ đó, ngoài thu nhập từ nghề buôn đồng nát, thi thoảng anh Tân nhận được một vài hợp đồng quảng cáo của các nhãn hàng.
Góc livestream triệu view của anh Tân đồng nát.
“Thu nhập từ việc quảng cáo này cao hơn rất nhiều so với buôn đồng nát nhưng không phải hợp đồng nào tôi cũng nhận. Có những đơn vị nhờ mình quảng cáo sản phẩm, nhưng khi trải nghiệm dùng thử tôi thấy chất lượng không như quảng cáo thì tôi sẽ từ chối. Tôi không cho phép mình làm trái với lương tâm chỉ để kiếm tiền”, anh Tân quả quyết, nghề đồng nát là công việc kiếm sống của mình.
Clip “triệu view” của anh chàng đồng nát trên mạng xã hội (Video: NVCC).
Nghề… không dễ “ăn”
Trước khi gắn bó với nghề đồng nát, anh Tân từng làm công nhân cho một công ty may ở quê. Tuy nhiên vì chân đau, sức khỏe không đảm bảo nên anh bỏ việc.
“Làm công nhân thì lương chỉ khoảng 4 triệu/tháng, sau khi nghỉ việc tự dưng nghĩ hay đi thu mua đồng nát. Thế rồi tôi cứ đi lang thang kiếm cơ sở thu mua phế liệu để xin học nghề, may sao vào gặp gia đình đầu tiên cách nhà 5km, anh chị chủ đồng ý dạy mình luôn”, chàng trai quê Hải Dương nhớ lại.
Trước khi gắn bó với nghề đồng nát, anh Tân từng là công nhân may.
Cứ tưởng nghề mua bán đồng nát dễ kiếm ăn nhưng anh Tân cũng bị hành “lên bờ xuống ruộng”. Thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu, thấp hơn cả khi đi làm công nhân khiến chàng trai trẻ suy sụp.
Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn không biết làm gì khác nên anh Tân quyết theo nghề đồng nát và sau nửa năm thì thu nhập bắt đầu ổn định.
Là ông chủ buôn bán phế liệu, hằng ngày anh Tân vẫn tự mình tay bốc bìa giấy.
2 năm sau theo nghề “chẳng ai muốn làm”, anh Tân đã dư giả đôi chút. Anh cũng mới mua chiếc xe ô tô để mở rộng, nâng cao việc buôn phế liệu. Nhờ vậy, thu nhập cũng tăng lên đáng kể khi có nhiều mối hàng ở xa.
Công việc hàng ngày của anh Tân bắt đầu vào lúc 7h sáng và thường kết thúc vào buổi chiều, có hôm đến hơn 22h tối.
Năng lượng tích cực là điều giúp anh đồng nát được nhiều người quý mến.
Với nhiều người, nghề buôn đồng nát là cái gì đó vất vả, nhọc nhằn, đôi khi là bẩn thỉu vì tay chân suốt ngày lấm lem. Thế nhưng, anh chàng đồng nát biết ơn nghề này hơn cả. Nhờ buôn đồng nát, vợ chồng anh Tân đã trả hết nợ tiền mua đất, làm nhà và mua ô tô.
Song, anh Tân cho biết, để kiếm được ngần ấy tiền không phải chuyện dễ, nếu ai không đủ kiên trì, chịu khó. Để có “cơ ngơi” đồng nát như hiện tại, anh Tân hàng ngày phải cặm cụi trên chiếc xe máy cũ rong ruổi, len lỏi vào những ngõ hẻm, góc phố để thu mua phế liệu.
Hình ảnh đời thường của anh chàng đồng nát “triệu view”.
“Hằng ngày, cứ từ sáng sớm đến 9 -10 giờ đêm mới xong việc. Người làm cho mình thì bốc xong hàng là họ được về nghỉ, còn mình thì tranh thủ lái xe đi các tỉnh để cân hàng, như thế sáng hôm sau mới có xe để đi bốc hàng tiếp.
Ngoài việc tinh nhanh, thông thạo các mặt hàng, lo đầu ra, đầu vào, nếu không thực sự yêu nghề thì không mấy ai làm được”, anh Tân tâm sự.
Chị Đào Thị Thu (30 tuổi, vợ anh Tân) cho biết vì ít dùng mạng xã hội nên không biết anh “nổi tiếng”. Chỉ khi người thân, đồng nghiệp làm cùng công ty nói lại và cho xem những clip trên tiktok chị mới biết chồng mình được nhiều người yêu thích.
“Tôi làm kế toán cho công ty nên rất bận rộn với công việc, chiều về thì lo cơm nước, chăm con nên ít khi lên mạng, cũng không biết anh làm gì trên mạng. Có hôm đến công ty thì mấy chị đồng nghiệp mới cho xem clip rồi bảo chồng nổi tiếng tôi mới biết. Giờ đi chợ mọi người cũng biết”, chị Thu cười.
Nhờ sự thông thạo các mặt hàng, anh Tân lo đầu ra, đầu vào còn vợ anh ở nhà làm kế toán.
Ngoài giờ hành chính ở công ty, chị Thu hiện tại cũng là kế toán trưởng của gia đình. Công việc gia đình bận rộn, vất vả nên chị cũng không phản đối chuyện chồng làm tiktok.
“Anh cả ngày làm mệt tối vẫn ngồi livestream nói chuyện với mọi người, tôi chỉ bảo chồng chú ý đến sức khỏe, còn việc anh đang làm nếu chồng thấy vui, thoải mái tôi rất ủng hộ, miễn sao chồng không làm gì vi phạm pháp luật là được”, chị Thu chia sẻ.
Giờ đây khi đã “nổi tiếng” nhưng khi được hỏi, nếu có cơ hội khác cho anh lựa chọn anh sẽ chọn làm gì? Không cần suy nghĩ, anh Tân nói vẫn sẽ chọn làm “ông chủ” đồng nát, cái nghề giúp anh có được cuộc sống như hiện tại.