Những ngày cuối tháng 5, dưới trời nắng như đổ lửa, ngư dân làng chài Thuận An (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang tất bật khai thác rong mơ.
Mùa rong mơ thường kéo dài 1-2 tháng, mang lại cho ngư dân nguồn thu nhập đáng kể.
Ngư dân làng chài Thuận An khai thác rong mơ (Ảnh: Ngô Linh).
Ngư dân Trần Văn Cường (48 tuổi, xã Tam Hải) cho biết, mùa khai thác rong mơ từ tháng 5 đến tháng 7. Nếu không được khai thác trong khoảng thời gian này, rong mơ tự tàn lụi.
Theo ông Cường, để hái rong mơ, dụng cụ cần thiết là mặt nạ dưỡng khí, lưỡi cắt, thuyền nhỏ và thúng chai… Khi dong thuyền ra biển cách bờ chừng 1km, ông lặn dưới biển sâu chừng 3 – 5m để hái rong. Rong nổi lên mặt nước, vợ ông dùng thúng chai vớt rong rồi chất lên thuyền.
Người dân Quảng Nam vào mùa khai thác rong mơ (Video: Ngô Linh).
“Mỗi ngày, vợ chồng tôi khai thác và phơi khô được chừng 2 tạ rong, bán 8.000 đồng/kg, thu về gần 2 triệu đồng. Chúng tôi vừa khai thác vừa bảo tồn để còn nguồn lợi cho những mùa sau chứ không tận diệt”, ông Cường chia sẻ.
Dưới cái nắng như thiêu đốt của buổi trưa hè, ông Nguyễn Văn Táp (57 tuổi, xã Tam Hải) nhanh chóng vận chuyển rong vào bờ cho vợ phơi khô. Ông Táp cho hay, mỗi chuyến khai thác rong kéo dài vài giờ, thường từ 7h đến 11h hàng ngày.
Mỗi ngày, người dân có thể khai thác 2-3 tạ rong (Ảnh: Ngô Linh).
Khai thác rong mơ rất vất vả, muốn đạt sản lượng cao, người lặn phải có sức bền. Công đoạn lặn biển thường do cánh đàn ông đảm nhiệm. Phụ nữ vớt rong và phơi khô. Người già, trẻ em làng chài cũng có thêm thu nhập nhờ việc thu nhặt rong mơ gần bờ và phụ giúp phơi rong.
“Mỗi chuyến lặn biển hái rong, tôi kiếm được từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Dù vất vả nhưng thu nhập khá giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống. Hái rong cũng đỡ rủi ro hơn so với đi biển đánh bắt cá ngoài khơi xa”, ông Táp nói.
Rong khô có giá 8.000 đồng/kg (Ảnh: Ngô Linh).
Bà Hồ Thị Thương – Phó Chủ tịch xã đảo Tam Hải – cho biết người dân làm nghề khai thác rong mơ chủ yếu tập trung nhiều ở thôn Thuận An với gần 100 hộ. Ngoài ra xã Tam Hải, người dân ở xã Tam Quang cũng đến vùng biển Tam Hải để lặn hái rong mơ. Nhờ rong mơ, cư dân ven biển có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.
Theo bà Thương, trước đây, nguồn lợi rong mơ rất dồi dào nhưng vài năm trở lại đây, suy giảm mạnh. Nếu trước đây người dân khai thác được hàng nghìn tấn mỗi năm thì năm vừa qua giảm đến gần một nửa sản lượng.
Việc phơi rong thuê hay làm sạch rong khô đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, chủ yếu là phụ nữ, với tiền công 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày (Ảnh: Ngô Linh).
Để bảo tồn rong biển, chính quyền xã thông báo đến người dân về quy định khai thác rong mơ trước mỗi vụ. Khi thu hoạch rong mơ, người dân phải để lại đoạn thân cây rong dài ít nhất 20cm và đảm bảo có phần tán che để rong mơ duy trì sự sống và sinh trưởng, phát triển khi mùa xuân đến. Người dân cũng cần giữ lại 25% diện tích rong mơ ở vùng khai thác để các loài hải sản, san hô có điều kiện sinh sống.
“Rất đáng mừng là người dân duy trì ý thức bảo vệ rong mơ, tổ chức khai thác đúng thời vụ và thời gian cho phép. Điều này không chỉ giúp cho cư dân ven biển có được nguồn thu hàng năm, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản”, đại diện lãnh đạo xã đảo Tam Hải nói.