Cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để tiếp tục duy trì đà phục hồi
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Chính phủ đã trình QH thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%.
“Có thể thấy, trong thời gian qua và đặc biệt là năm 2022, với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN)”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới phục hồi và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc xây dựng chính sách giảm thuế GTGT nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế
Theo Bộ trưởng Tài chính, với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Về tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Về tác động đến người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của QH Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước…
Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.