Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip một người thợ đang kiểm tra cục nóng điều hòa không khí tại cửa hàng la liệt đồ điện, điện lạnh như máy giặt, tủ lạnh, điều hòa. Sau khi tháo một số thiết bị, người thợ này cắm điện để vận hành thử cục nóng thì thiết bị này phát nổ. Khói trắng bao trùm cả cửa hàng, cục nóng điều hòa bị thổi bay.
Cục nóng điều hòa phát nổ như bom
Trên các diễn đàn về nghề nghiệp, các thợ sửa, lắp đặt điều hòa không ngừng chia sẻ clip này với những lời cảnh báo, khó có thể lường hết được chuyện tai nạn nghề nghiệp với công việc này. Sự cố được ghi lại cũng như những cảnh báo liên tiếp đặc biệt được chú ý khi cả nước đang bước vào những đợt cao điểm nắng nóng của mùa hè, lượng khách đặt mua điều hòa, máy lạnh tăng vọt, thợ lắp đặt, sửa chữa “nhận không hết việc”.
Bên cạnh việc có thể kiếm bộn tiền, thợ sửa, lắp điều hòa cũng đối mặt với nhiều vất vả, hiểm nguy.
Trước khi vụ nổ xảy ra, người thợ đang kiểm tra cục nóng điều hòa tại cửa hàng (Ảnh cắt từ clip).
Khẳng định sự cố nổ cục nóng như trong clip không phải hi hữu, đã có không ít thợ “dính đòn”, ông Tạ Quang Thái, sáng lập viên nền tảng Rada phân tích, qua theo dõi, có thể thấy người thợ làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thiếu kiến thức khoa học.
“Ở đây thấy rõ thợ sửa điều hòa đã chủ quan, cẩu thả khi không tiến hành đo kiểm áp suất của máy trước khi thực hành thao tác kiểm tra cục nóng. Với một người thợ, việc không thực hiện quy trình đo kiểm này là rất tệ”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết, thông thường, máy được đóng cấp điện từ cục lạnh là nơi chứa mạch điều khiển tín hiệu. Từ đó, kiểm soát cường độ dòng điện, trạng thái, chế độ hoạt động của máy theo các thông số của nhà sản xuất.
“Ở trường hợp này, chúng ta thấy người thợ đấu thẳng điện vào cục nóng. Điều này khiến máy chạy tối đa công suất, gây quá áp suất và nổ máy nén tại cục nóng là chuyện dễ hiểu” – ông Thái nhận định.
Ngoài ra, ông Thái cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cục nóng điều hòa phát nổ.
Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cục nóng điều hòa phát nổ.
Theo ông Thái, những lưu ý về an toàn cho thợ dài mấy chục trang. Hầu hết các thợ đi làm đều phải thuộc nằm lòng và bản thân các hãng sản xuất cũng khuyến cáo rất đầy đủ.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình trong quá trình làm việc, ông Thái cho rằng mỗi người thợ nên tuân thủ quy trình, nắm kiến thức chắc chắn và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Có 27 năm kinh nghiệm trong nghề sửa chữa điện lạnh, anh Hà Quang Việt (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho biết, những trường hợp cục nóng điều hòa cháy nổ có thể xảy ra nhưng không phổ biến.
Qua theo dõi clip vụ nổ, anh Việt cho biết, trường hợp trên là do lốc máy (một bộ phận bên trong cục nóng điều hòa) bị cháy, khả năng cao người thợ thử kín bằng khí oxy (O2), dẫn đến hơi dầu máy hòa trộn với oxy áp suất lớn, gây hiện tượng tự kích nổ của hỗn hợp dầu – oxy.
“27 năm làm nghề tôi có chứng kiến vụ nổ tương tự nhưng rất ít bởi cục nóng điều hòa rất khó phát nổ. Gas làm lạnh sử dụng cho điều hòa không cháy nên kể cả có hút thuốc bên cạnh cũng không ảnh hưởng. Trường hợp có nạp gas ở áp suất cao thì ống đồng vỡ trước chứ cục nóng không nổ được. Quan sát kỹ clip sẽ thấy đây là hiện cháy nổ chứ không phải quá áp mà nổ” – anh Việt nói.
Anh Việt cũng nhận định, sự cố được ghi lại là do làm sai quy trình, người thợ nén nhầm khí cácbonic sang khí nitơ nên mới xảy ra nổ lốc bên trong cục nóng.
Những người thợ lành nghề khuyến cáo không được nén gas với trường hợp có khả năng trộn không khí trong hệ thống hoặc khí bị rò rỉ.
Theo anh Việt, khi bảo trì hay sửa chữa cục nóng điều hòa, người thợ cần tuyệt đối tránh để không khí lẫn vào dầu trong quá trình thu hồi gas. Trong quá trình thu hồi gas vào dàn nóng phải khóa van lại, gas sẽ được nén với áp suất và nhiệt độ cao. Khi đó, Nếu hệ thống có lẫn không khí hay tạp chất thì dầu sẽ cháy và gây ra nổ.
Người thợ kỳ cựu này đưa ra khuyến cáo, không tiến hành nén gas trong trường hợp có khả năng hệ thống bị trộn không khí hoặc khí bị rò rỉ. Ngoài ra, nên thu hồi chất làm lạnh bằng máy thu hồi chuyên dụng. Trong quá trình bơm rút, nên dừng máy nén trước khi tháo hệ thống ống dung môi làm lạnh.
“Trong khi bơm rút, nếu máy nén vẫn chạy và van khóa đang mở thì không khí sẽ bị hút vào khi đường ống, dẫn đến thay đổi áp suất bất thường trong mạch làm lạnh. Việc này có thể gây hư hỏng thiết bị và gây cháy nổ”, anh Việt phân tích.