Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nghỉ việc được hỗ trợ cao nhất gần nửa tỷ đồng

(Dân sinh) – Công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nhận mức hỗ trợ thôi việc cao nhất là 421 triệu đồng, người thấp nhất là 15 triệu đồng, mức bình quân là 150 triệu đồng/người.

Ngày 20/5, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Quận Bình Tân, TP.HCM) chính thức thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đợt 1 với hơn 4.400 lao động, đây là những người sẽ chính thức nghỉ việc vào ngày 24/6. 

Trong đó, người nhận mức hỗ trợ cao nhất 421 triệu đồng trong đợt này là lao động có thâm niên 26 năm, giữ vị trí quản lý. Trong khi đó, với những công nhân mới, làm việc dưới 5 năm, số tiền trợ cấp thấp nhất là 15 triệu đồng. Mức hỗ trợ bình quân cho mỗi người khoảng 150 triệu đồng. 

Biên bản thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với người lao động.

Biên bản thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với người lao động.


Theo đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam từ nay đến 24/6, người lao động không phải đến nhà máy làm việc nhưng vẫn nhận đủ lương, được đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội. Công ty sẽ quy ra tiền để trả cho người lao động số ngày phép năm chưa sử dụng. Dự kiến, ngày 30/6, họ sẽ nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng. 

Ngoài buổi tiếp xúc này, ngày 3/6, công ty tiếp tục thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đợt 2 với 1.225 lao động với chính sách hỗ trợ tương tự. Tổng số người lao động dự kiến bị cắt giảm trong 2 đợt khoảng 5.700 người.

Trước đó, vào tháng 3/2023, Công ty TNHH PouYuen đã cắt giảm 2.358 người cũng do đơn hàng khó khăn. Phía doanh nghiệp cho biết, các trường hợp lao động nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; các trường hợp khó khăn như hộ nghèo, lao động khuyết tật; trường hợp trong cùng gia đình (vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em…) sẽ không đưa vào diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trong 2 đợt này, ngoại trừ những người lao động tự nguyện thôi việc.

Chị Nguyễn Thị Hải (SN 1982, quê Nghệ An) - 20 năm làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chưa bị cắt giảm trong 2 đợt này vì đang mang thai.

Chị Nguyễn Thị Hải (SN 1982, quê Nghệ An) – 20 năm làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chưa bị cắt giảm trong 2 đợt này vì đang mang thai.


Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, trong nhóm bị thôi việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, lao động thâm niên trên 20 năm chiếm 14,9%; lao động làm việc từ 10 đến 20 năm chiếm đến 68,3%, 5-10 năm chiếm 12,7%, chỉ 4,1% là công nhân mới dưới 5 năm. 

Thống kê cho thấy, có 34,3% lao động quê ở tỉnh Long An, Tiền Giang; 35,3% lao động đến từ các tỉnh khác (chủ yếu khu vực miền Trung, miền Bắc) và 30,4% lao động tại TP.HCM.

Về độ tuổi lao động bị cắt giảm có 6,8% trong độ tuổi từ 21 – 30; 39,6% lao động từ 30 – 40 tuổi và 53,6% lao động trên 40 tuổi. 

Cầm trên tay thư cảm ơn và biên bản thoả thuận, anh Nguyễn Lương Bằng (SN 1978, quê ở Nghệ An) – là công nhân làm việc ở Công ty TNHH PouYuen hơn 7 năm đượm buồn nói: Đợt 1 này cả 2 vợ chồng tôi đều nằm trong danh sách cắt giảm. Mất việc, nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhỏ của hai vợ chồng, 2 con và lo cho ba mẹ già ở quê đột ngột đứt. 

“Mặc dù cũng rất buồn nhưng mình cũng không thể trách doanh nghiệp được vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay tình hình kinh doanh của công ty rất khó khăn nhưng công ty vẫn luôn cố gắng duy trì mọi chế độ cho người lao động”, anh Bằng chia sẻ. 

Vợ chồng anh Bằng được công ty hỗ trợ mỗi người 40 triệu đồng.

Vợ chồng anh Bằng được công ty hỗ trợ mỗi người 40 triệu đồng.


Cũng theo anh Bằng, công ty đã đền bù cho anh số tiền hơn 40 triệu đồng, vợ anh cũng 40 triệu đồng nhưng với gia đình anh số tiền cũng chỉ cầm cự trong vài tháng. Về lâu dài hai vợ chồng phải tìm việc làm mới để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. 

Trò chuyện với PV, đa số những công nhân nằm trong diện cắt giảm lần này đều có định hướng ở lại Thành phố tìm việc thời vụ khoảng 1, 2 tháng sau đó nhận tiền hỗ trợ rồi trở về quê lãnh bảo hiểm xã hội một lần làm vốn, gia đình tìm cách khác mưu sinh.